Hơn 62% lợi nhuận trước thuế của HSBC thu được tại các thiên đường thuế từ năm 2018-2020.(Nguồn: DPA).
Bất chấp các vụ bê bối trước đây, các ngân hàng châu Âu không những không hề giảm sự hiện diện tại các "thiên đường thuế” mà còn vẫn đang thu lợi nhuận từ việc này.
Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo của Tổ chức giám sát thuế Liên minh châu Âu (EU), một cơ quan nghiên cứu độc lập tại Đại học Kinh tế Paris, công bố ngày 6/9.
Theo báo cáo, dữ liệu từ 36 ngân hàng hàng đầu của châu Âu trong giai đoạn từ năm 2014-2020 cho thấy mỗi năm các ngân hàng này thu được khoản lợi nhuận lên đến 20 tỷ euro (24 tỷ USD), tương đương 14% tổng lợi nhuận, tại 17 vùng lãnh thổ có chính sách thuế ưu đãi đặc biệt.
Báo cáo nêu rõ tỷ lệ này vẫn ở mức ổn định kể từ năm 2014, bất chấp loạt vụ bê bối bị phanh phui trong LuxLeaks và Hồ sơ Panama, trong đó chỉ ra cách thức các công ty và các cá nhân giàu có sử dụng để trốn thuế.
Báo cáo của Tổ chức giám sát thuế EU khẳng định mặc dù các cuộc tranh luận công khai cũng như trong giới chính trị ngày càng quan tâm đến vấn đề này, song “các ngân hàng châu Âu đã không giảm đáng kể việc tận dụng các thiên đường thuế.”
Theo tổ chức trên, ngân hàng HSBC đứng đầu trong các hoạt động này, với hơn 62% lợi nhuận trước thuế thu được tại các “thiên đường thuế” từ năm 2018-2020, so với mức 49,8% của ngân hàng Monte dei Paschi của Italy đứng ở vị trí thứ hai.
Xếp ở vị trí thứ ba là Standard Chartered, trong khi Deutsche Bank và ngân hàng NordLB lần lượt xếp ở vị trí thứ 4 và thứ 5.
Lợi nhuận mà các ngân hàng này thu được từ các "thiên đường thuế" cao bất thường, tương đương 238.000 euro/nhân viên, so với mức chỉ 65.000 euro/nhân viên ở những nước không phải "thiên đường thuế."
Báo cáo xác định 17 quốc gia và vùng lãnh thổ là điểm đến “gian lận thuế ưa thích,” trong đó có Bahamas, quần đảo Virgin thuộc Anh, quần đảo Cayman, Jersey và Guernsey, Gibraltar, Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Malta và Luxembourg.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các nước đang đàm phán giai đoạn cuối cùng về một khuôn khổ quốc tế trong việc đánh thuế các công ty đa quốc gia, được Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ủng hộ. Theo đó, các nước dự định đưa ra mức sàn thuế đối với các công ty quốc tế lớn nhất là 15%.