HSBC đúng sớm?

(ĐTCK-online) Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, trên thị trường niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh vẫn lặp lại một tình tiết khá quen thuộc từ nhiều ngày trở lại đây: màu đỏ là thứ rất dễ tìm.

Phiên giao dịch cuối cùng của Tháng Bảy và là phiên giao dịch thứ hai Trung tâm GDCK TP. HCM áp dụng khớp lệnh liên tục vào đợt giữa, chỉ số VN-Index giảm tiếp 17,49 điểm xuống còn 907,95 điểm. Thậm chí, trong ngày VN-Index có lúc còn suy giảm tới hơn 20 điểm. Tình hình giao dịch cho thấy, nhà đầu tư nói riêng và kể cả hệ thống giao dịch nói chung đối với phương thức khớp lệnh liên tục vẫn còn đang trong giai đoạn làm quen.

Đại đa số cổ phiếu giảm giá. Dẫn đầu danh sách giảm giá trong phiên hôm nay góp mặt đủ hai cổ phiếu hiếm từng là hiện tượng một thời là BMC và TCT chia nhau vị trí số 1 và số hai. Cùng giảm sàn, nhưng BMC đứng thứ nhất với thị giá bị trừ đi 15.000 đồng xuống còn 294.000 đồng/cp. TCT theo sát phía sau với mức giảm 12.000 đồng xuống còn 228.000 đồng/cp.

Rất nhiều cổ phiếu lớn chiếm tỷ trọng cao trong VN-Index giảm giá, trong số đó có thể kể đến STB, REE, FPT, PPC, GMD… Trừ FPT, các cổ phiếu còn lại đều giảm sàn. STB, PPC, FPT cũng là các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn. Có 15 cổ phiếu tăng giá, trong đó HBC, KDC, NKD, TTP tăng trần, còn lại tăng nhẹ. Các trường hợp tăng giá còn lại, trừ VNM, đều thuộc nhóm cổ phiếu có thị giá thấp dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, bao gồm BTC, DTT, DXP, KHP, SFC, SFN, SMC, VFC, TS4. Hai chứng chỉ quỹ PRUBF1 và VF1 đuề giảm giá. Đáng lưu ý VF1 đến nay đã giảm suốt 7 phiên liên tiếp kể từ ngày 23/7, hao hụt rất nhiều so với mức giá từng gây tranh cãi trong đợt phát hành thêm lúc trước.

Hôm nay là ngày đầu tiên thị trường tiếp nhận thêm một cổ phiếu mới của CTCP Quốc tế Hoàng Gia với mã RIC. Ngành nghề đăng ký kinh doanh của Hoàng Gia là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vui chơi giả trí, sòng bạc, nhà hàng, khách sạn…, nhưng được biết đến nhiều nhất là kinh doanh sòng bạc tại Quảng Ninh. Giá tham chiếu của RIC được xác định trong ngày giao dịch đầu tiên là 183.000 đồng/cp, tuy nhiên kết quả cuối ngày RIC được khớp chỉ ở 183.000 đồng/cp.

Khác với sự thuận lợi của các công ty nhanh chân niêm yết hồi tháng 12/2006, các cổ phiếu mới lên sàn kể từ cuối tháng 7 này xem ra không gặp thời điểm thích hợp. Mặc dù đều khá được chú ý từ lúc còn giao dịch trên thị trường OTC, nhưng GTA, TRC và bây giờ là RIC đều không thể lội ngược trong tình thế ngập tràn màu đỏ của thị trường.

Trong một thời gian ngắn, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận nhiều thông tin gây sốc. Bắt đầu từ bản Báo cáo của HSBC, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước tới Báo cáo của Merrill Lynch. Còn nhớ, cách đây một tháng, bản báo cáo của HSBC cho rằng chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đáng quá cao và dự đoán VN-Index sẽ giảm xuống còn 900 điểm vào cuối năm nay, tương đương với ước đoán P/E ở mức khoảng 18 lần.

Sự phản ứng gay gắt của nhà đầu tư đối với các sự kiện trên nói chung và báo cáo của HSBC nói riêng là thực tế đã diễn ra. Còn thực tế đang diễn ra là VN-Index chỉ sau một tháng kể từ khi HSBC công bố bản báo cáo của mình đang có chiều hướng lùi dần và đã rất gần 900 điểm.

Garry Evans, chuyên gia phân tích của HSBC, người đã đưa ra dự báo trên, có thể đang mỉm cười trước tình hình có dấu hiệu ủng hộ cho quan điểm của mình. Nhưng nếu suy nghĩ có trước có sau, nhà phân tích này có lẽ không tránh khỏi áy náy vì biết đâu nếu không có những dự đoán kiểu như vậy, VN-Index có thể đã không suy giảm nhiều đến thế!

Ngày mai, liệu VN-Index có còn giảm xuống đến mức, hoặc dưới mức mà HSBC đã dự đoán, hay thị trường đã đến ngưỡng hỗ trợ để kích thích sức cầu tung ra, giúp cho thị trường hồi phục?

Nhìn lại thị trường thời điểm “mỗi ngày một kỷ lục” hồi đầu năm, ngày 12/1, VN-Index lần đầu tiên phá vỡ ngưỡng 900 điểm, tăng đến 29,36 điểm, tương đương 3,32% để đạt đến 914,79 điểm. Và như vậy, điểm số của VN-Index hiện tại đã lùi về đến mức thấp nhất trong vòng sáu tháng rưỡi trở lại đây.

Hy vọng HSBC có thể “trót” đúng sớm thì cũng có thể sai muộn!