Nhận định này đưa ra sau khi có nhiều thông tin về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các thị trường vào khu vực Đông Nam Á do những lợi thế của khu vực này bao gồm nền kinh tế cũng như thị trường người dùng phát triển mạnh, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chi phí sản xuất tăng cao đang tác động lên các thị trường khác.
Sự dịch chuyển này đang thực sự diễn ra nhưng để có thể tạo ra một sự dịch chuyển trên diện rộng, có nhiều vấn đề ASEAN và Việt Nam cần làm.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: “Những thay đổi về thương mại toàn cầu khiến cho các doanh nghiệp phải xem lại các chiến lược về năng lực cũng như đầu tư chuỗi cung ứng, nhưng chúng ta chưa thực sự chứng kiến những thay đổi này thể hiện ở những dịch chuyển trên diện rộng vào Đông Nam Á, Nam Á hay các khu vực khác trên thế giới.
Thay đổi không thể xảy ra một sớm một chiều. Các doanh nghiệp cân nhắc dịch chuyển chuỗi cung ứng cần phải đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực sẵn có ở địa phương, nguồn nhân sự có kỹ năng và cân nhắc việc xây dựng mới hay hợp tác với các doanh nghiệp trong nước”.
Do căng thẳng thương mại, ngoài sự dịch chuyển vào ASEAN, các công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa chiến lược chuỗi cung ứng thông qua các hoạt động nội địa hóa, đầu tư ra nước ngoài và quay trở lại sản xuất trong nước.
Một vài ví dụ gần đây được HSBC đưa ra, đó là khi Trung Quốc phát triển hơn về công nghệ, ngành sản xuất của quốc gia này được dịch chuyển sang các thị trường chi phí thấp hơn. Điển hình như công ty lốp xe Trung Quốc Guizhou Tyres đã mở rộng kế hoạch nhà máy sản xuất lốp xe tại Việt Nam, tăng ngân sách đầu tư lên gần 500 triệu USD;
Samsung đã chuyển việc sản xuất thiết bị điện tử nhiều hơn vào Việt Nam khi hơn một nửa thiết bị di động của tập đoàn Hàn Quốc này hiện được lắp đặt tại đây;
Trường hợp các công phương tây như Intel, Whirlpool và Catepillar đã quay về lại các thị trường trong nước để dễ tiếp cận hơn các thị trường lân cận cũng như công nghệ chất lượng cao;
Hay tại châu Âu, các doanh nghiệp như nhà sản xuất Dyson của Anh, đang đẩy mạnh đầu tư vào Đông Nam Á để sản xuất phục vụ thị trường trong nước trong khi vẫn duy trì các hoạt động sản xuất ở những nơi khác để phục vụ mục đích xuất khẩu.
Ông Hải cho biết thêm, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng là một hiện tượng diễn ra trong nhiều năm do những thay đổi cấu trúc liên quan công nghệ sản xuất, chi phí nhân công và thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh.
Qua hơn một thập kỷ, ASEAN và Việt Nam được các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận như một lựa chọn sản xuất hiệu quả nhờ vai trò quan trọng của khu vực này trong chuỗi cung ứng hiện tại, cơ sở người dùng tăng trưởng và các mối liên kết chặt chẽ trong thương mại và đầu tư.
“Các quốc gia với mạng lưới sản xuất và cơ sở hạ tầng sẵn có như Việt Nam sẽ là các quốc gia hưởng lợi chính trong sự dịch chuyển năng lực sản xuất.
Các doanh nghiệp từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ muốn nhìn thấy ASEAN và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa vị trí của mình như một lựa chọn thực tế và hiệu quả cho ngành sản xuất chi phí thấp. Tuy nhiên, để biến tiềm năng chuỗi cung ứng này thành hiện thực, khu vực này cần thể hiện được năng lực của mình trong mắt các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt về khả năng xử lý và thực hiện các đơn hàng sản xuất", ông Hải nói.
Điều quan trọng đối với các công ty quy mô từ nhỏ tới lớn là làm thế nào ASEAN và Việt Nam có thể đạt được mức chi phí sản xuất cạnh tranh, công nghệ và đổi mới được ứng dụng như thế nào để cải thiện năng suất. Quan hệ đối tác cũng là một yếu tố và liệu doanh nghiệp có cảm thấy tin tưởng rằng những đơn hàng của mình sẽ được xử lý đúng thời hạn và đúng ngân sách.
Ở tầm chính phủ, điều này đòi hỏi nâng cao nhận thức của các công ty quốc tế về khung pháp lý, những ưu đãi thuế và các khu vực thương mại tự do cùng với chứng minh những cải thiện về cảng biển, đường sắt và những cơ sở hạ tầng giao thông khác.
Bên cạnh đó, các chính phủ ASEAN phải giới thiệu một lộ trình tiến tới những sáng kiến dài hạn để dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan đang tồn tại quanh dòng chảy hàng hóa giữa các nước ASEAN, phát triển lao động có tay nghề và bảo vệ IP, an ninh mạng, và dịch chuyển dữ liệu thương mại qua biên giới.
Đồng thời, HSBC khuyến nghị những lĩnh vực cần chú ý để cải thiện dòng chảy thương mại trong nội khối ASEAN như cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt và cảng biển, các chính sách để nâng cao tiếp nhận công nghệ, đơn giản hóa và đẩy nhanh tốc độ khai báo hải quan với hàng hóa giá trị thấp...
Ông Hải nhấn mạnh thêm: “Trong khi quan hệ thương mại giữa ASEAN bao gồm Việt Nam và các nền kinh tế chính của thế giới như Mỹ và Trung Quốc đang ở vị thế tích cực và phát triển ổn định, vẫn còn nhiều thứ phải làm trong nội bộ ASEAN để cải thiện hơn nữa dòng chảy thương mại và đầu tư nội khối.
Việc đáp ứng và ứng xử nhanh chóng đối với những thách thức này từ phía các chính phủ và doanh nghiệp ASEAN, sẽ quyết định tiềm năng chuỗi cung ứng của khu vực có thể được hiện thực hóa đối với các doanh nghiệp quốc tế đang ở trong giai đoạn xem xét lại các lựa chọn của mình”.