Quan ngại
Mặc dù kinh tế Việt Nam có khởi đầu năm 2015 tốt với ngành sản xuất tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng có mức tăng đáng kể 5,8%; GDP quý I/2015 tăng 6,0%; tăng trưởng tín dụng khối tư nhân trong quý I cũng đạt mức 15,5%..., nhưng mọi dự báo vẫn trong tâm thế cẩn trọng bởi các điều kiện bên ngoài xấu đi, tạo sức ép lên hai nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu mặc dù vẫn còn cao so với tiêu chuẩn khu vực, nhưng cũng đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái là 12,7%. Lô hàng từ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm, thể hiện doanh nghiệp Việt Nam đang dần mất năng lực cạnh tranh.
Thực tế, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa đã giảm từ mức 51,7 điểm trong tháng 2 xuống 50,7 điểm trong tháng 3. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang suy yếu. Trong quý I/2015, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm 13,7% so với năm ngoái, chỉ đạt 2 triệu khách. Ngoại trừ khách du lịch đến từ Hàn Quốc, số lượng khách từ các nước đều giảm.
Bên cạnh đó, Chỉ sổ niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ - Roy Morgan tháng 3/2015 cho biết, xét về tình hình tài chính cá nhân hiện tại, 36% (giảm 2%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện “tốt hơn” năm trước, so với 19% (giảm 2%) cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn” (thấp nhất kể từ tháng 7/2014). 55% (giảm 3%) người tiêu dùng cho rằng, tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới và chỉ có 9% (giảm 4%) người tiêu dùng dự đoán tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”.
Đặc biệt, năng lực cạnh tranh từ đồng ngoại tệ yếu là một phần nguyên nhân. Xét về mặt tỷ giá hối đoái hữu dụng, tiền đồng Việt Nam đang tăng giá khoảng 8% kể từ cuối năm 2014. Nhu cầu bên ngoài đang giảm cũng là một nguyên nhân khác. Tuy nhiên, các nguyên nhân gây ra việc này đa phần là do những yếu tố nội tại trong nước, như môi trường kinh doanh ngày càng xấu hay năng suất thấp đã làm Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lao động giá rẻ.
Không có những rủi ro ổn định trong ngắn hạn
Tuy nhiên, các báo cáo cho rằng, các yếu tố này không gây ra những rủi ro ổn định trong ngắn hạn. Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đã chạm đáy, dự đoán sự phục hồi của nền kinh tế sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2015 - 2016. Khối ngoại vẫn đang tìm cách phục hồi với dòng chảy ổn định của nguồn vốn FDI và thặng dư thương mại ngày càng lớn. Nhu cầu nội địa có nhiều khả năng phục hồi trên cơ sở tăng trưởng thu nhập vững chắc hơn.
“Với việc các hộ gia đình Việt Nam vẫn tự tin, mặc dù ở một mức thấp hơn đối với dự đoán triển vọng kinh tế trong 12 tháng kế tiếp và 5 năm tới, nhu cầu trong nước có khả năng sẽ phục hồi dần dần”, ông Glenn Maguire nói và cho rằng, các chính sách ở Việt Nam có thể tiếp tục hướng đến những điều chỉnh phù hợp hơn để đem lại hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi mới bắt đầu của nhu cầu trong nước.
Theo ông Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Công ty Markit Economics, mặc dù có sự sụt giảm nhẹ chỉ số PMI tháng 3, nhưng lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh vào thời điểm cuối quý I, khi các công ty bảo đảm có được số lượng đơn đặt hàng mới lớn hơn từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Giá cả hàng hóa giảm trên thị trường thế giới tiếp tục góp phần làm giảm giá đầu vào, và nhờ đó các nhà sản xuất có thể chuyển giao phần chi phí tiết kiệm được sang cho khách hàng.
Báo cáo của HSBC nhận định, thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn còn ít và dòng vốn đổ vào Việt Nam vẫn còn, thể hiện ở nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được giải ngân trong quý I/2015 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tiến trình cải cách chậm trễ có thể sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam, trong đó có thể khiến tiến trình ổn định đưa đất nước tiến lên thịnh vượng gặp nhiều rủi ro.
“Với tỷ lệ lạm phát tăng chậm ở mức 0,9% trong tháng 3 so với năm ngoái ngay cả khi điện đã tăng giá sẽ tạo cơ hội cho NHNN hỗ trợ tăng trưởng. Chúng tôi tin rằng có nhiều cơ hội để NHNN cắt giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 0,5%, đưa lãi suất này về mức 4,5%”, bà Trinh Nguyên, chuyên gia kinh tế HSBC nói.