HSBC: 91% doanh nghiệp Việt tin sẽ thành công trong môi trường kinh doanh hiện tại

HSBC: 91% doanh nghiệp Việt tin sẽ thành công trong môi trường kinh doanh hiện tại

(ĐTCK) 9 trên 10 doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát có thái độ lạc quan với thương mại quốc tế. Thái độ lạc quan của các doanh nghiệp Việt Nam bắt nguồn từ khả năng phục hồi tốt của thương mại khu vực, hiệu quả kinh tế trong nước và dòng vốn FDI mạnh.

Các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong số những doanh nghiệp lạc quan nhất về triển vọng thương mại quốc tế và tự tin nhất về khả năng thành công trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Đây là kết quả của khảo sát “HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp” mới nhất, được thực hiện với hơn 8.500 doanh nghiệp tại 34 thị trường.

91% đối tượng khảo sát ở Việt Nam cho biết họ tin rằng triển vọng thương mại rất thuận lợi dù cho những yếu tố địa chính trị đang khiến các doanh nghiệp ở những quốc gia khác e dè hơn, so với tỷ lệ 75% các doanh nghiệp trên toàn cầu. Họ cho rằng ba yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại là môi trường kinh tế thuận lợi, chi phí vận chuyển, hậu cần và lưu kho giảm và nhu cầu về sản phẩm tăng.

Niềm lạc quan này được phản ánh qua niềm tin của doanh nghiệp Việt. 91% tin rằng họ sẽ thành công trong môi trường kinh doanh hiện tại, so với 81% doanh nghiệp toàn cầu. Nhân tố chính cho cái nhìn tích cực này đến từ niềm tin tiêu dùng, giá cả hàng hóa và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ở cấp độ toàn cầu, với nhu cầu của khách hàng và điều kiện kinh tế thuận lợi, các doanh nghiệp lạc quan về tương lai, song nhiều bên vẫn đang điều chỉnh lại chiến lược của mình vì lo ngại rằng chính sách bảo hộ sẽ có tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế.

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết: “Sự lạc quan của các doanh nghiệp Việt phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được coi là một trong những ngôi sao tại châu Á.

Họ lạc quan trên cơ sở cho rằng được định vị đúng, nhờ kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh, niềm tin về triển vọng kinh tế toàn cầu, các thỏa thuận thương mại sâu rộng và quan hệ thương mại phát triển với các thị trường lớn.”

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp, HSBC Việt Nam 

Phần lớn các doanh nghiệp Việt đều có thái độ tích cực về những mối quan hệ hợp tác với các đối tác thương mại quan trọng.

69% doanh nghiệp xem việc là thành viên của ASEAN giúp ích cho việc kinh doanh của họ trong ba năm tới. Tương tự, khoảng 65% tin rằng Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam sắp tới sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong tương lai gần. Hai phía đã đạt đồng thuận về nội dung cuối của hiệp định thương mại vào tháng 6 này.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ các thị trường khác. Hơn một phần tư doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường Nhật Bản, trong khi 23% mong muốn mở rộng thị trường đến Trung Quốc và một phần năm đang xem xét mở rộng thị trường sang Hàn Quốc.

Trong nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn và tăng cường khả năng cạnh tranh, 45% doanh nghiệp cho rằng trọng tâm đầu tư là nâng cao năng lực của lực lượng lao động, trong khi 43% cho biết họ đang chú trọng hơn vào phát triển năng suất và kỹ năng.

Trong khi đó, khoảng 8 trong số 10 công ty ở Việt Nam hiện đang ứng dụng dữ liệu để tối ưu hóa hiệu suất của mình, so với tỷ lệ 75% trên toàn cầu.

Cũng theo ông Wong: “Chúng tôi đang nhận thấy nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng trong việc tìm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, nhất là nhóm khách hàng trong lĩnh vực sản xuất và năng lượng.

Những tham vọng mở rộng hoạt động này dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt Nam và những quan tâm chú ý của các công ty nước ngoài đang tìm cơ hội chuyển cơ sở sang Việt Nam. Sự lạc quan của các công ty Việt Nam đang cao hơn bao giờ hết”.

Mặc dù có cái nhìn lạc quan về cơ hội thương mại, 4 trong số 5 doanh nghiệp Việt Nam (78%) đồng ý rằng chính phủ các nước ngày càng có xu hướng bảo hộ cao – tỷ lệ này cao hơn so với các doanh nghiệp trên toàn cầu (63%) và tăng 11% so với khảo sát HSBC Navigator gần đây nhất, được thực hiện vào cuối năm 2017.

Thực tế, khảo sát Navigator cho thấy hơn phân nửa các công ty trên toàn cầu (51%) kỳ vọng những hiệp định thương mại tự do (FTA) được áp dụng cho quốc gia và ngành nghề của mình sẽ mang lại lợi ích cho họ trong ba năm tới.

Các FTA đặc biệt phổ biến ở các thị trường mới nổi khi 60% doanh nghiệp tại đây cho rằng những hiệp định này sẽ mang lại tác động tích cực, so với 45% doanh nghiệp tại các thị trường phát triển.

Tin bài liên quan