Báo cáo của HSBC cho thấy, tới 60% người tham gia khảo sát (6.200 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ) cho biết, họ sẵn sàng vay nợ để con cái được học đại học. Trong đó, cha mẹ ở khu vực châu Á và Mexico là những người sẵn sàng vay nợ để trang trải cho việc học của con mình nhất, với tỷ lệ 81% tại Trung Quốc, 74% tại Mexico, 71% tại Ấn Độ, và 67% tại Hồng Kông.
Trong khi đó, cha mẹ ở Anh, Úc và Pháp ít sẵn sàng hơn, với tỷ lệ lần lượt là 43%, 44% và 46%.
Cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính cho các chi phí học tập của con cái, có đến 84% người tham gia khảo sát chia sẻ quan điểm này. Gần 1/3 số người (31%) đã có một con đến tuổi học đại học hy vọng con cái của họ sẽ san sẻ phần nào gánh nặng chi phí học tập, tuy nhiên, trên thực tế, hiện chỉ có 13% sinh viên đại học thực hiện được điều này. Các quốc gia phương Tây có tỷ lệ sinh viên đóng góp vào chi phí học tập của bản thân cao hơn, cụ thể là Canada (39%), Mỹ (37%) và Úc (22%), trong khi tỷ lệ thấp nhất thuộc về Ai Cập (thấp hơn 1%), Ấn Độ (1%), Hồng Kông (4%) và Singapore (5%).
Khảo sát cũng cho thấy, 88% cha mẹ trên thế giới sẽ cân nhắc việc học tập sau đại học cho con cái. Trong khi đó, hầu hết các bậc cha mẹ (tương đương 95%) cho biết, họ kỳ vọng con cái của họ sẽ hoàn tất chương trình đại học.
Theo họ, tấm bằng sau đại học là chìa khóa để con cái có thể tiếp cận với nhiều cơ hội nghề nghiệp, trong đó, có tới 69% nghĩ rằng nhờ đó con họ dễ dàng được tuyển dụng hơn trong lĩnh vực nghề nghiệp mà chúng chọn.
Hơn một phần ba số người (35%) trong cuộc khảo sát cho biết, họ sẽ cân nhắc cho con du học bậc đại học. Trong số này, tỷ lệ cao nhất thuộc về các bậc cha mẹ ở Indonesia (60%), các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (58%), Hồng Kông (54%), trái lại, tỷ lệ thấp nhất thuộc về Ai Cập (10%), Pháp và Úc (đều cùng 16%). Thêm vào đó, gần phân nửa các bậc cha mẹ (44%) sẽ cân nhắc cho con mình có một trải nghiệm giáo dục quốc tế, với tỷ lệ cao nhất thuộc về các quốc gia Châu Á bao gồm Indonesia (58%), Malaysia (56%) và Singapore (53%).
“Theo những người tham gia khảo sát, việc học đại học ở nước ngoài sẽ góp phần mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho con cái của họ, cụ thể, có thể giúp cho chúng tìm được công việc tốt hơn (40%) và có thu nhập cao hơn (35%)”, báo cáo của HSBC cho biết.
Hiện có hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới, ước tính chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Cha mẹ đặt tương lai giáo dục cho con cái ở vị trí hàng đầu trong các ưu tiêu tài chính của họ dù điều họ lo lắng nhất chính là gánh nặng chi phí khi cho con đi du học. Có tới 49% người tham gia khảo sát có cùng nhận định trên và cho rằng, ưu tiên cho việc học của con cái quan trọng hơn cả mục tiêu tiết kiệm cho hưu trí của bản thân. Các quốc gia có tỷ lệ cha mẹ đồng thuận cao nhất về mục này bao gồm Pháp (70%), Trung Quốc (61%), Ai Cập (59%) và Singapore (55%).
Nếu phải cắt giảm chi tiêu do khó khăn về tài chính, gần một phần ba cha mẹ (32%) cho rằng, họ hầu như sẽ không cắt giảm chi phí đầu tư cho học tập của con cái. Các bậc cha mẹ tại Châu Á là những người tán đồng ý kiến này mạnh mẽ nhất, bao gồm: Trung Quốc (59%), Indonesia (52%) và Hồng Kông (50%). Ai Cập (9%) và Anh (12%) là hai quốc gia có tỷ lệ cha mẹ đồng thuận với ý kiến này ít nhất.
Trong số những bậc cha mẹ cho biết họ sẽ cân nhắc cho con đi du học bởi vấn đề chi phí cho việc theo học đại học ở nước ngoài chính là rào cản lớn nhất. Đa số đều nói rằng, chi phí này cao hơn khả năng thu nhập của họ (48%) hoặc sẽ là gánh nặng cho chính con cái của họ (34%). Cha mẹ ở Malaysia (64%) và cha mẹ tại Singapore (63%) là những người lo lắng nhiều nhất về vấn đề chi phí.
Bên cạnh đó, quản lý tiền bạc xuyên quốc gia cũng là một trong những lo ngại. Một phần năm (20%) cha mẹ nói rằng, họ thấy việc quản lý các khoản chi phí với những loại tiền tệ khác nhau giữa các quốc gia khi có con học đại học ở nước ngoài thật sự phức tạp.
Nhìn chung, học phí và chi phí sinh hoạt của con cái cũng là nỗi trăn trở hàng đầu đối với các bậc cha mẹ tại Việt Nam, bên cạnh những lo ngại về chỗ ở, giao thông công cộng tại đất nước sở tại khi họ cho con đi du học. Tuy nhiên, bất kể những trăn trở này, người Việt Nam đang đầu tư ngày càng nhiều vào tương lai giáo dục của con cái, trong đó có việc cân nhắc cho con đi du học để chúng có điều kiện trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế.
Hiện có hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới, ước tính chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Trung bình mỗi du học sinh chi tiêu khoảng 30.000 - 40.000 đô la Mỹ mỗi năm cho học phí và sinh hoạt phí. Việt Nam xếp thứ 6 (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi và Canada) trong số các quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất, tính cả hệ thống giáo dục bao gồm cao đẳng - đại học và các cấp đào tạo khác. Úc và Canada cũng là hai quốc gia được nhiều người Việt lựa chon để du học.
Cơ hội được rèn luyện trong môi trường nói tiếng Anh là một trong những lý do chính để những quốc gia trên được lựa chon, xét trong bối cảnh tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ nước ngoài phổ biến nhất tại Việt Nam.
Ông Kris Werner, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết, việc cha mẹ đặt mục tiêu đầu tư cho tương lai giáo dục của con cái vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch tài chính của mình là bằng chứng cho thấy một sự hy sinh vô điều kiện của những người làm cha làm mẹ. Trong số đó, không ít người đã cân nhắc đưa con đi học ở nước ngoài sau khi chúng hoàn tất chương trình đại học trong nước với kỳ vọng gia tăng triển vọng nghề nghiệp cho con họ sau này.
“Những kỳ vọng này đồng nghĩa với việc họ phải gánh vác chi phí cao hơn. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên có một kế hoạch thiết thực nếu như muốn con cái họ có được những trải nghiệm học tập chất lượng cao. Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên lên kế hoạch tiết kiệm cho mục tiêu này càng sớm càng tốt và nên tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tài chính để giúp họ hiện thực hóa những kỳ vọng của mình và cải thiện tương lai của con cái”, ông Kris Werner nhấn mạnh.