Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Như, Giám đốc tài chính kiêm người công bố thông tin của HQC.
Gần đây, hoạt động giao dịch nội bộ tại HQC khá liên tục, với diễn biến chủ yếu là bán ra. Diễn biến này liệu có mang thông điệp về một sự xáo trộn sẽ xảy ra trong công ty không?
Giao dịch gần đây của ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty gây nhiều thắc mắc cho giới đầu tư. Nhưng thực chất, đây đều là các hoạt động bán cho đối tác chiến lược của Công ty, theo mức giá thỏa thuận nên không ảnh hưởng gì đến giá cổ phiếu trên sàn.
Riêng việc bà Nguyễn Thị Diệu Phương, thành viên HĐQT, cũng là vợ Chủ tịch đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu là giao dịch cá nhân. Có thể bà Phương thấy giá cổ phiếu HQC trên sàn hấp dẫn nên quyết định mua thêm vào để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch của các thành viên khác cũng thế.
Hiện các doanh nghiệp bất động sản nói chung và HQC nói riêng đang chịu sức ép từ lãi vay và hàng tồn kho cao, từ đó tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh doanh. Ban điều hành Công ty có giải pháp nào trong thời gian tới nhằm giải quyết vấn đề này?
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất hợp lý trên cơ sở huy động vốn của tổ chức tín dụng cho thấy chính sách tiền tệ đang dần được nới lỏng. Sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước, Công ty đang hợp tác với các ngân hàng để hỗ trợ khách hàng của Công ty vay, nhằm thu hồi công nợ từ khách hàng, cơ cấu lại nợ vay.
Ngoài ra, Công văn của Ngân hàng Nhà nước loại bỏ 4 nhóm bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất như xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... Việc này sẽ đem lại những lợi thế cho Công ty trong tương lai vì hiện nay, Công ty đang là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Bình Minh, cảng, khu nhà ở chuyên gia công nhân viên Bình Minh (Vĩnh Long). Trong đó, khu nhà ở dành cho chuyên gia và công nhân viên Bình Minh thuộc đối tượng được ưu đãi vay vốn theo chỉ thị trên của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian qua, kết quả hoạt động kinh doanh của HQC không tốt. Vậy bà có thể có biết định hướng của HQC trong năm tới như thế nào?
Do thị trường bất động sản trầm lắng, nên Công ty cũng gặp nhiều khó khăn ở hoạt động môi giới. Nhưng đặc thù riêng của hệ thống Công ty Hoàng Quân là không chỉ kinh doanh môi giới bất động sản dân dụng, mà còn là chủ đầu tư của 2 khu công nghiệp. Đây được xem là lĩnh vực kinh doanh ít bị biến động nhất trong thị trường bất động sản hiện nay.
Cụ thể, tại Khu công nghiệp Cảng Bình Minh - Vĩnh Long (132 héc-ta) hiện có 7 doanh nghiệp đang đầu tư, với tổng diện tích chiếm gần 50% tổng diện tích KCN. Tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, có 5 doanh nghiệp đang đầu tư, xây dựng và hoạt động.
Ngoài ra, các dự án dân dụng của Công ty cũng bán khá tốt, trong đó có Dự án Cheery Apartment tại Tỉnh lộ 25B, quận 2, TP. HCM đã bán hết với doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng, dự kiến giao nhà vào cuối năm nay. Dự án biệt thự sinh thái Hoàng Quân đã bán hết 53/76 căn, doanh thu đạt hơn 73 tỷ đồng.
Thời gian tới, Công ty sẽ triển khai xây dựng một số dự án như Tòa nhà Văn phòng Hàm Nghi tại 27-35 Hàm Nghi, quận 1, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án Sovrano Plaza (3,7 héc-ta) tại Nguyễn Văn Linh, quận 7; xúc tiến kêu gọi đầu tư vào dự án xây dựng Khu đô thị đại học Đồng Bằng Sông Cửu Long 320 héc-ta tại Cần Thơ; Đầu tư vào khu phi thuế quan Trà Vinh (500 héc-ta).
Về hoạt động đầu tư tài chính, hiện nay Công ty đang đầu tư vào Công ty Phát triển nhà Bình Thuận, Công ty Xuất nhập khẩu Lạng Sơn,….