Ngay trước thềm ĐHCĐ, giá HQC đã có một số phiên tăng mạnh, bứt phá ra hẳn khỏi mức giá thấp kỷ lục là 1.800 đồng/cổ phiếu trước đó.
Lý giải việc giá cổ phiếu xuống thấp, ông Lê Thành Nam, thành viên HĐQT HQC cho biết, một nguyên nhân mang tính kỹ thuật là nhà đầu tư chịu áp lực bán giải chấp của công ty chứng khoán.
Do áp lực bán giải chấp và tâm ký đám đông, giá HQC đã giảm xuống mức kỷ lục là 2.160 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng trần trở lại 2.480 đồng/cổ phiếu với thanh khoản kỷ lục 78 triệu cổ phiếu/phiên vào ngày 14/12/2016.
Ngày này, cũng đánh dấu HQC ngừng chuỗi ngày giảm liên tục dưới áp lực giải chấp. Khi áp lực giải chấp không còn, nhà đầu tư nhận ra rằng, mức giá này là không hợp lý với một doanh nghiệp bất động sản năm nào hoạt động kinh doanh cũng có lãi, là chủ đầu tư của 23 dự án trên khắp cả nước.
Nhưng như Chủ tịch HQC, TS.Trương Anh Tuấn nhận định: “Việc HQC không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016 do gặp phải rủi ro về chính sách. Hội đồng quản trị có lỗi trong việc này và chúng tôi đã nhìn nhận một cách nghiêm túc từ đó quyết định xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay có sự điều chỉnh mạnh mẽ để giảm lệ phụ thuộc vào chính sách tín dụng cho người mua nhà ở xã hội”.
“Mặc dù từ đầu năm đã có các tín hiệu tốt của việc triển khai chính sách cho người mua nhà ở xã hội vay vốn, nhưng chúng tôi không tính tác động của chính sách vào kế hoạch kinh doanh năm nay”, ông Tuấn nói.
Theo kế hoạch năm 2017, HQC đặt kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu đến từ nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 50% tổng doanh thu. Doanh thu này hạch toán dựa vào bàn giao hơn 8.000 căn nhà ở xã hội.
Sang năm 2018 sẽ bàn giao hơn 14.000 căn tại các dự án HQC Hóc Môn, HOF -HQC Hồ Ngọc Lãm, HQC Bình Trưng Đông, HQC An Phú Tây, HQC Nha Trang, HQC Cần Thơ, HQC Phú Tài…
Ngoài ra, các mảng khác đóng góp 50% doanh thu còn lại bao gồm, bất động sản nghỉ dưỡng 200 tỷ đồng, căn hộ văn phòng 200 tỷ đồng, căn hộ thương mại 500 tỷ đồng, khu công nghiệp và nhà xưởng 100 tỷ đồng.
Như vậy, việc hạch toán doanh thu và lợi nhuận dựa trên các dự án nhà ở xã hội đã bán, chuẩn bị bàn giao và các dự án bất động sản thương mại ở các lĩnh vực khác đang triển khai rất khả quan.
Riêng quý I/2017, HQC đã đạt lợi nhuận 20,8 tỷ đồng ngang bằng lợi nhuận cả năm 2016.
“Tôi cam kết sẽ hoàn thành lợi nhuận năm nay và hoàn thành kế lợi nhuận đã đề ra trong các năm tới. Cụ thể, năm 2018, lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng, năm 2019, lợi nhuận đạt 500 tỷ đồng và năm 2020, lợi nhuận đạt 600 tỷ đồng”, ông Tuấn khẳng định với cổ đông.
Đây là cơ sở để ông Tuấn kỳ vòng một bình minh mới đến với cổ phiếu HQC sau một năm đầy khó khăn vừa qua.
Cổ phiếu HQC vẫn tiếp tục tăng mạnh sau cuộc họp ĐHCĐ lên hơn 3.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá này mới chỉ bằng gần 1/3 giá trị sổ sách.
Với cam kết của Chủ tịch HQC, năm 2017, HQC sẽ chi trả tiếp 5% cổ tức, tương đương 15% cổ tức/thị giá.
Nhìn về dài hạn, theo lãnh đạo HQC, đầu tư cổ phiếu HQC an toàn cho nhà đầu tư ở mức thị giá hiện nay.
HQC là doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ nợ trên vốn thấp nhất trong nhóm ngành bất động sản ở mức 19%. Để tăng tốc phát triển, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch phát hành riêng hạn mức 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Việc tăng vốn là đòn bẩy tài chính giúp HQC đủ năng lực tài chính triển khai nhiều dự án một lúc. Bởi ở thời điểm hiện nay, không chỉ sở hữu 23 dự án, mà HQC còn có khả năng nhận thêm nhiều dự án, nhất là dự án nhà ở xã hội do các địa phương tin tưởng giao quỹ đất cho HQC triển khai.
Nhu cầu về nhà ở xã hội ở các địa phương rất lớn, nếu HQC tăng cường được năng lực tài chính, cùng với công hưởng của chính sách tín dụng được triển khai theo Quyết định 630/QĐ-TTg cho người mua nhà ở xã hội, thì nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng thời điểm bùng nổ của phân khúc nhà ở xã hội sẽ đến cũng là thời điểm thăng hoa của HQC, nhà đầu tư số 1 ở phân khúc nhà ở xã hội trên thị trường bất động sản.