Những doanh nghiệp chờ hồ sơ niêm yết trên HOSE
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, hiện có 12 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Mới nhất là ngày 19/11, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) nộp hồ sơ niêm yết, với khối lượng đăng ký niêm yết 1,175 tỷ đơn vị.
Không chỉ MSB, các ngân hàng đại chúng chưa lên sàn sẽ phải thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trong thời gian tới.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để TTCK có cơ hội gia tăng mạnh mẽ lượng hàng mới tới đây.
Danh sách chờ niêm yết mới hiện nay có những cái tên đáng chú ý như CTCP Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang; Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), CTCP Bất động sản An Gia, CTCP Dịch vụ sân bay...
Quy mô niêm yết lớn nhất thuộc về GVR với 4 tỷ đơn vị cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, GVR cổ phần hóa năm 2018 nhưng chỉ bán được khoảng 20% lượng chào bán. Hiện Nhà nước vẫn nắm giữ đa số vốn tại doanh nghiệp này.
Cổ phiếu GVR đang giao dịch trên sàn UPCoM với thị giá 13.980 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa 55.920 tỷ đồng. Vốn hóa của GVR chỉ đứng sau mã ACV (vốn hóa 164.080 tỷ đồng), mã VGI (vốn hóa 88.179 tỷ đồng) và mã VEA (vốn hóa 64.420 tỷ đồng).
Các chỉ số tài chính cơ bản như lợi nhuận/mỗi cổ phần (EPS) hay lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trượt 4 quý gần nhất của GVR tuy không cao (chỉ đạt 830 đồng và 6,65%), nhưng GVR được chờ đợi do có tiềm năng ở quỹ đất nông nghiệp, khu công nghiệp lớn. GVR sở hữu nhiều doanh nghiệp và có các công ty liên kết đang có kinh doanh hiệu quả với lịch sử trả cổ tức tốt như Nam Tân Uyên, Phước Hòa…
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản Tập đoàn GVR đạt trên 76.000 tỷ đồng, trong đó có đến 11.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, nợ vay chỉ chiếm khoảng 16% tổng tài sản.
Một “đại gia” về bất động sản khác là Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - Becamex (BCM) cũng đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE.
Doanh nghiệp dự kiến sẽ đăng ký niêm yết 1,035 tỷ cổ phiếu trên này. Thời gian thực hiện chuyển sàn trong quý IV và dự kiến giao dịch chính thức vào đầu tháng 1/2020.
Hiện BCM đang triển khai việc tăng vốn điều lệ, cụ thể Công ty lên kế hoạch phát hành quyền mua 5:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng cần phát hành 207 triệu cổ phiếu. Đồng thời, BCM dự kiến phát hành riêng lẻ 758 triệu cổ phiếu.
Giá dự kiến sẽ cao hơn giá trị sổ sách trước thời điểm phát hành (giá trị sổ sách 2018 là 12.315 đồng/cổ phiếu), với thời gian thực hiện trong 2019 - 2020. Ước tính tổng khối lượng đang lưu hành sẽ tăng lên gấp đôi sau khi BCM hoàn tất các đợt phát hành trên.
Trong Đề án tái cấu trúc TTCK và thị trường bảo hiểm 2020-2025 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt vào đầu năm 2019, năm 2020, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam phải đạt mốc 100%GDP, trên nền tảng hiện nay mới chỉ đạt 80% GDP.
Để thực hiện được mục tiêu trên, thì giá cổ phiếu và/hoặc lượng hàng phải tăng lên, vì đây là 2 yếu tố cấu thành nên giá trị vốn hóa toàn sàn.
Trong đó, gia tăng hàng hóa trên thị trường là giải pháp hiệu quả được nhiều chuyên gia khuyến nghị để vừa giúp đa dạng hàng hóa, vừa giúp quy mô thị trường tăng nhanh hơn với việc chỉ tăng về giá, vì thực tế để giá tăng vài chục phần trăm trong 1 năm là bất khả thi.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán có nhiều khách hàng tổ chức chia sẻ, dòng tiền ngoại không thiếu, nhưng tìm được doanh nghiệp quy mô, tiềm năng mà đã niêm yết trên TTCK Việt Nam để khớp nối với nhu cầu đầu tư lớn của khối ngoại là không đơn giản.
Bởi lẽ, doanh nghiệp “ngon” thì đã kín room, một số doanh nghiệp hấp dẫn khác lại chưa niêm yết, thậm chí chưa cổ phần hóa.
Thêm hàng mới, kỳ vọng TTCK sẽ sôi động
Bên cạnh doanh nghiệp niêm yết mới và chuyển sàn, năm 2020 cũng là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình của Chính phủ. Hàng loạt doanh nghiệp lớn đã được định danh trong danh sách này.
Ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, thoái vốn và cổ phần hóa trong năm 2020 sẽ nóng hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, dầu khí... Đây cũng là cơ hội để thị trường thu hút dòng tiền ngoại.
Về việc xử lý các doanh nghiệp chây ỳ lên sàn, tại buổi tập huấn về niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 9/2019, có 755 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch/niêm yết, trong đó 601 doanh nghiệp trong danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa đã công bố cách đây 2 năm (tháng 8/2017) và 154 doanh nghiệp bổ sung mới.
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đóng góp nguồn hàng quan trọng cho sự phát triển của thị trường vốn, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa không chịu lên niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Ông Tiến cho hay, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp mạnh để xử lý tình trạng trên, đốc thúc doanh nghiệp đại chúng lên sàn để cải thiện tính minh bạch, đồng thời tăng cơ hội cho nhà đầu tư.
Với việc sàn niêm yết sẽ có thêm các doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu vào giao dịch và kỳ vọng có thêm nhiều đợt IPO của doanh nghiệp lớn, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sôi động hơn, ít nhất tạo được tâm lý mới mẻ hơn cho nhà đầu tư.