Tối ngày 10/1, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) kiểm tra, khắc phục sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán) tại HOSE trong phiên giao dịch ngày 10/01/2022.
Giao HOSE khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng được mọi diễn biến của thị trường trong dài hạn (kể cả trường hợp khối lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu VNX, HOSE khẩn trương giải thích với báo chí, thông tin tới nhà đầu tư về sự cố (nếu có yêu cầu), giải pháp đã áp dụng để đưa hệ thống vận hành ổn định trở lại ngay trong phiên giao dịch chiều ngày 10/1/2022.
Vào 20h30 cùng ngày, HOSE gửi thông cáo báo chí về phiên giao dịch 10/1.
Cụ thể, theo HOSE, trong phiên giao dịch ngày 10/01/2022, vào lúc 14 giờ 04 phút, hệ thống Gateway (UDP) của Sở trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định. Đây là một trong hai kênh kết nối để Sở chuyển thông tin thị trường về cho công ty chứng khoán. Sau 14 giờ 04 phút, các công ty chứng khoán vẫn nhận thông tin thị trường từ Sở thông qua kênh dữ liệu song song (PRS) bình thường.
HOSE đã vận hành hệ thống Gateway dự phòng và khắc phục tình trạng này vào lúc 14 giờ 26 phút cùng ngày. Vì vậy, thông tin bảng điện tử tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng chập chờn trong khoảng thời gian nêu trên.
Sở cho biết, rất tiếc về sự việc phiên 10/1, và xin thông tin rõ đến các cơ quan thông tấn báo chí, các thành viên và nhà đầu tư trên thị trường.
Thanh khoản trên sàn HOSE ngay trước lúc diễn ra hiện tượng “đơ, đứng hình” chỉ hơn 35.300 tỷ đồng, khớp khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu, kém xa các phiên giao dịch 40.000 tỷ đồng, hay phiên kỷ lục 44.800 tỷ đồng (19/11/2021).
Trước khi có thông tin từ HOSE, nhiều câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra trong các nhóm chat, diễn đàn về hệ thống của HOSE phải chăng lại quá tải khi lượng nhà đầu tư gia nhập thị trường tăng vọt và tần suất giao dịch cũng tăng lên rất nhiều khi hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đều ưa thích việc trading – mua đi bán lại liên tục? Hay có tác nhân khác, chẳng hạn như robot, hoặc có hay không chủ đích tác động của các nhóm nhà đầu tư nào khiến lượng lệnh tăng vọt lên, dẫn đến “đơ bảng điện” – điều đã không xảy ra trong 6 tháng nay, dù thanh khoản trên HOSE có lúc kỷ lục lên đến hơn 44.800 tỷ đồng/phiên, và thường xuyên có các phiên giao dịch 30.000 - 35.000 tỷ đồng.
Ghi nhận thông tin từ các môi giới, thông báo tình trạng HOSE không trả lệnh ở nhiều công ty chứng khoán. Trong khi ở vài công ty chứng khoán cho biết, dù bảng điện đơ nhưng lệnh vẫn vào hệ thống.
Tình trạng treo bảng, nghẽn lệnh ở phiên chiều 10/1 khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên lo lắng, bởi đây được xem là giai đoạn “nhạy cảm” – dòng cổ phiếu bất động sản tăng nóng, tâm lý Fomo của nhà đầu tư cá nhân liên tục được đẩy lên cao, dẫn đến chỉ cần một thông tin không tích cực đều có thể dẫn đến một phiên điều chỉnh – và có lẽ cũng chỉ cần một lý do thích hợp để điều chỉnh.
Theo góc nhìn của một số môi giới kinh nghiệm, phiên giảm ngày 10/1 của VN-Index cơ bản quan trọng nhất sóng tăng vừa rồi chưa có đợt điều chỉnh nào đáng kể. Cộng thêm xuất hiện rủi ro hệ thống đơ lệnh cùng với một vài thông tin xấu tác động tới các nhà đầu tư. Trong đó, hệ thống đơ lệnh đã kích hoạt việc bán nhanh, mạnh hơn dẫn tới việc giảm giá mạnh của các cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán sau tháng 7/2021 chưa “trải nghiệm” những tháng ngày nghẽn, lag, đơ và không vào lệnh tỏ ra khá hoang mang, đặc biệt những nhà đầu tư Fomo đu cổ phiếu giá cao. Lệnh MP được kích hoạt nhanh khiến điểm số tụt áp và các mã tăng nóng đã “bay màu” .
Nhiều nhận định cho rằng, thị trường có diễn biến rung lắc trong tuần này đã nằm trong dự báo, chỉ duy có điều không lường trước được có là việc nghẽn lệnh trên sàn HOSE chiều 10/1, khiến cho lệnh dồn vào ATC nên có nhiều mã bất động sản từ giá trần hoặc xanh mạnh về nằm thẳng sàn như DIG, LDG, CII, CEO, FLC….
Điều này khiến rất nhiều nhà đầu tư bức xúc vì sàn HOSE đơ không giao dịch được, bảng điện đứng im. Cho đến chỉ còn trước phiên ATC 2 phút mới hoạt động trở lại thì không kịp trở tay.