Những thông tin về việc FED cắt giảm lãi suất trong sáng nay, cùng với việc giá vàng và dầu thô tiếp tục tăng lên mức kỉ lục mới, chứng khoán châu Á tiếp tục một phiên chao đảo cũng phần nào làm thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên tràn ngập màu đỏ.
Hôm nay cũng là ngày các ngân hàng thương mại phải thực hiện mua tín phiếu bắt buộc khiến nhiều người lo ngại các Ngân hàng thiếu vốn phải bán một phần các chứng khoán cầm cố. Vì vậy, ngay từ khi thị trường bắt đầu mở cửa, hàng loạt mã cổ phiếu lớn đã được bán ra với khối lượng lớn trong khi người mua dè dặt báo hiệu một ngày u ám của chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc giao dịch đợt 1 ngày 17/3, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm mạnh 20,57 điểm (tương đương giảm 3,2%) xuống mức 623,23 điểm. Khối lượng giao dịch không có biến động nhiều khi đạt 2.196.720 đơn vị, giá trị giao dịch đạt 121,137 tỷ đồng.
Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, có 2 mã tăng giá là RIC và MCP, 14 mã đứng giá tham chiếu, 136 mã giảm giá và 1 mã không có giao dịch là BTC. Trong đó, RIC là mã tăng trần duy nhất và có tới 55 mã giảm sàn.
Hầu hết các cổ phiếu lớn trên sàn đều giảm giá. Trong đó, SSI lại dẫn đầu với khối lượng dư bán lớn ở giá sàn. Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, tình thế không được cải thiện hơn mà còn có chiều hướng xấu đi. 9h15 mã duy nhất còn lại đang khớp ở giá trần RIC phải chịu nhường bước trước đợt bán ra ồ ạt của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
STB liên tục bị xói mòn giá từng bước giá 100đ khi giảm dần từ 47, 46,9.. đến mức sàn là 46,4. Đến 9h26, những lệnh bán sàn với khối lượng lớn khoảng 100 nghìn, 50 nghìn cổ phiếu được tung ra đã hạ chàng lực sĩ STB đo ván trong nháy mắt. Về gần cuối đợt khớp lệnh liên tục, nhiều lệnh mua STB với khối lượng lớn ở giá sàn được đưa vào khiến cổ phiếu này lại có thêm một phiên giao dịch với khối lượng lớn nhất thị trường.
Kết thúc đợt 2, chỉ số VN-Index giảm 26,96 điểm, xuống 616,84 điểm (tương đương giảm 4,19%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 10.117.850 đơn vị với tổng giá trị giao dịch hơn 534 tỷ đồng.
Kết thúc đợt 3, chỉ số VN-Index giảm 28,09 điểm, xuống 615,71 điểm (tương đương giảm 4,36%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 11.442.880 đơn vị với tổng giá trị giao dịch hơn 606 tỷ đồng.
Trong tổng số 153 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HoSE thì có 149 mã giảm giá, chỉ còn 2 mã tăng giá là RIC và RHC, 2 mã đứng giá tham chiếu là SJD và VHC. Không còn mã tăng trần nữa, trong khi có tới 117 mã giảm sàn. Màu đỏ tràn ngập trên bảng giá điện tử.
Trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường thi cả 10 cổ phiếu đều giảm giá, trong đó có 8 cổ phiếu giảm sàn. PVD giảm 6.000 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,92%) chỉ còn 116.000 đồng. FPT giảm 6.000 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,38%) chỉ còn 131.000 đồng. VNM giảm 6.000 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,88%) chỉ còn 117.000 đồng. ITA giảm 4.500 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,79%) chỉ còn 89.500 đồng. SSI giảm 4.000 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,94%) chỉ còn 77.000 đồng. DPM giảm 2.500 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,35%) chỉ còn 55.000 đồng. STB giảm 2.400 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,92%) chỉ còn 46.400 đồng. PPC giảm 2.200 đồng/cổ phiếu, (tương đương 4,84%) chỉ còn 43.300 đồng. VPL giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, (tương đương 1,53%) chỉ còn 129.000 đồng. VIC giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, (tương đương 2,12%) chỉ còn 92.500 đồng.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là RIC đạt 53.500 đồng/cổ phiếu, tăng 1.500 đồng (tương đương 2,88%) với tổng khối lượng giao dịch là hơn 187 nghìn cổ phiếu. Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là VPK khi chỉ còn 17.100 đồng/cổ phiếu, giảm 2.000 đồng (tương đương 10,47%) với tổng khối lượng giao dịch là hơn 23 nghìn cổ phiếu. Ngoài ra, xét về mức tuyệt đối thì BMC, TCT và NTL tiếp tục là 3 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất khi cùng giảm 8.000 đồng xuống.
Cổ phiếu có khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường là STB với hơn 1,9 triệu đơn vị được giao dịch thành công, đóng cửa ở mức 46.400 đồng/cổ phiếu, giảm 2.400 đồng (tương đương 4,92%)
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 78 mã cổ phiếu với tổng khối lượng mua vào là 973.350 đơn vị. PPC là mã được mua vào nhiều nhất với 129.190 đơn vị, tiếp theo là SSI với 129.040 đơn vị, PVD với 66.900 đơn vị, VHG với 60.800 đơn vị và LAF với 53.400 đơn vị. Đáng chú ý là ngoại trừ VHG được mua chủ yếu ở đợt khớp lệnh đóng cửa, 4 mã còn lại đều được họ mua vào ở đợt khớp lệnh liên tục để tránh biến động giá. Cả 5 mã này đều đóng cửa ở giá sàn.
|