HOSE Dấu ấn tuổi 15

(ĐTCK) Hai năm sau ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg thành lập Trung tâm GDCK TP. HCM - tiền thân của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) hiện nay, vào ngày 28/7/2000, phiên giao dịch đầu tiên diễn ra với 2 mã cổ phiếu niêm yết, TTCK tập trung của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.
Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Hướng đến kỷ niệm 15 năm thành lập TTCK Việt Nam, Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp cùng HOSE thực hiện chuyên mục “HOSE: Dấu ấn tuổi 15” nhằm điểm lại những sự kiện quan trọng trong lịch sự phát triển của thị trường cũng như kỷ niệm gắn với thị trường của những nhân vật đã tham gia, góp phần vào sự phát triển của TTCK trên chặng đường đã qua. Góc nhìn “ôn cố, tri tân” này phần nào cho thấy, TTCK Việt Nam đã và đang phát triển đúng hướng, giúp huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển. Sự phát triển đó là tất yếu, với nỗ lực của cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.

Ngày 1/1/2007, Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực thi hành, có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động quản lý TTCK nói chung cũng như tổ chức TTCK tập trung của HOSE nói riêng.

Luật Chứng khoán ghi nhận Sở GDCK là một pháp nhân được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, được tự chủ về tài chính, từ đó khẳng định vai trò của Sở GDCK là một chủ thể tổ chức, quản lý và giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán niêm yết. Đó là nền tảng thuận lợi để HOSE phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững như ngày nay.

Luật Chứng khoán cho phép Sở GDCK đặt ra sân chơi riêng trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. HOSE đã ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin và thành viên giao dịch sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận; chủ động xây dựng quy chế chuyên môn nghiệp vụ và đề xuất cơ chế với cơ quan quan lý nhà nước nhằm đảm bảo sự chủ động điều tiết thị trường của HOSE, đồng thời đảm bảo TTCK đi đúng theo phương hướng, chính sách đã vạch ra.

Luật Chứng khoán quy định nguyên tắc bình đẳng, công khai và minh bạch, đồng thời nghiêm cấm các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật, sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi. Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 4 và Điều 9 Luật Chứng khoán và cũng là cơ sở pháp lý để HOSE giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán niêm yết.

Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã tác động rõ nét đến các CTCK. Sau thời điểm Luật Chứng khoán có hiệu lực, đối chiếu 2 văn bản Nghị định 144/2003/NĐ-CP và Nghị định 58/2012/NĐ-CP, mức vốn pháp định công ty chứng khoán từ mức thấp, được nâng lên khá nhiều, từ đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng thành viên thị trường.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn cũng đang hướng đến sự hoàn thiện khung pháp lý về các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng công bố thông tin, phương thức giao dịch, cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán, quản trị rủi ro đối với công ty chứng khoán hay tổ chức niêm yết…

Ngày 4/1/2005, UBCK đã ban hành Quyết định số 01/2005/QĐ-UBCK về việc ban hành quy trình bán đấu giá cổ phần tại Trung tâm GDCK TP. HCM, tiền thân của HOSE, đúng thời điểm mà nhu cầu về cổ phần hóa DNNN đang rất cấp thiết, trong đó, đấu giá cổ phần lần đầu là phương pháp rất phù hợp với bối cảnh TTCK non trẻ của Việt Nam thời điểm đó.

Qua gần 10 năm thực hiện cổ phần hóa DNNN theo hình thức bán đấu giá cổ phần, quy trình này đã được thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình TTCK từng thời điểm, đặc biệt là việc chuyển đổi từ mô hình đấu giá một cấp sang mô hình đấu giá hai cấp thông qua các đại lý là các công ty chứng khoán. Mặc dù vậy, quyết định này vẫn được coi là xương sống cho quá trình thực hiện đấu giá bán cổ phần tại các sở giao dịch nói chung và HOSE nói riêng, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa thực hiện được nhanh chóng, tạo ra nhiều hàng hóa hấp dẫn cho thị trường, góp phần không nhỏ trong sự phát triển của TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Ngày 1/1/2003, HOSE chính thức áp dụng tăng biên độ dao động giá cổ phiếu lên ±5%. Trong lịch sử hình thành và phát triển, HOSE đã điều chỉnh biên độ dao động giá nhiều lần ở các mức khác nhau giúp hỗ trợ bình ổn thị trường trong giai đoạn biến động mạnh, đồng thời giúp tăng thanh khoản thị trường.

Đến năm 2003, nhằm phù hợp với sự phát triển của thị trường, từng bước tiến gần tới biên độ dao động của các nước trong khu vực, Trung tâm GDCK TP. HCM đã xem xét tăng biên độ giao dịch lên ±5% sau khi có được chấp thuận của UBCK. Lịch sử giao dịch của thị trường cho thấy, biên độ ±5% đối với cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE là phù hợp với tình hình phát triển của thị trường giai đoạn 2003 - 2012, thực hiện tốt việc tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn.

Tin bài liên quan