Luật PPP đã bãi bỏ hình thức Hợp đồng BT đối với các dự án, trong đó có cả các dự án nhà ở xã hội

Luật PPP đã bãi bỏ hình thức Hợp đồng BT đối với các dự án, trong đó có cả các dự án nhà ở xã hội

HoREA thúc hoàn thiện các quy định pháp luật để có thể tái khởi động lại dự án BT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã đưa ra một số đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có các nội dung liên quan đến các dự án BT.

HoREA đề xuất trong năm 2021, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét “Đề án sửa đổi Luật Đất đai 2013”, đồng thời, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Du lịch; Bộ Luật Dân sự; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông của hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, HoREA đề nghị hoàn thiện các quy định pháp luật để có thể tái khởi động lại dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

HoREA cho rằng, Luật PPP đã quyết định dừng dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) mới, kể từ ngày 01/01/2021, là hết sức cần thiết và cấp bách, không để tiếp tục xảy ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công, nhất là quỹ đất công, trụ sở làm việc.

Tuy nhiên, có điểm chưa hợp lý là Luật PPP đã bãi bỏ hình thức Hợp đồng BT đối với các dự án, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở tái định cư, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, các dự án xây dựng công trình hạ tầng, dịch vụ.

Nhiều dự án BT đang bị dừng. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều dự án BT đang bị dừng. Ảnh: Shutterstock.

HoREA cho rằng không nên vì có một số bất cập, “lỗ hổng”, sơ hở, mà phải bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT, vì nguyên nhân chủ yếu là chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT.

Hiệp hội nhận thấy, loại hình dự án BT rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ, vừa có lợi cho Nhà nước, cho nhà đầu tư và cho lợi ích cộng đồng.

HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ nên dừng loại hình dự án BT từ nay đến khoảng năm 2022, để trong thời gian này, thực hiện việc rà soát, xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật để đủ điều kiện khởi động lại các dự án BT kể từ năm 2023, nhằm bịt kín các lỗ hổng, không để thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách nhà nước, để huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án nhà ở xã hội; dự án nhà ở tái định cư; dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị khôi phục dự án PPP có giá trị dưới 200 tỷ đồng. Theo HoREA, trên địa bàn cấp huyện, cấp xã (nhất là vùng sâu, vùng xa) có nhiều dự án cơ sở hạ tầng có giá trị dưới 200 tỷ đồng cần huy động nguồn vốn xã hội hóa theo Hợp đồng PPP. Do vậy, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để có phương thức đầu tư PPP đối với các trường hợp dự án PPP có giá trị dưới 200 tỷ đồng tại các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, HoREA cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung “Chương trình mục tiêu phát triển nhà ở xã hội” khi xem xét ban hành “Nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”, để có nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.

Đồng thời, xem xét bỏ quy định bất hợp lý về việc quyết định phá dỡ nhà chung cư phải được toàn bộ (100%) chủ sở hữu nhà chung cư nhất trí, vì không khả thi và không phù hợp thực tiễn.

Tin bài liên quan