Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi thị trường quý 1/2020 bị trầm lắng (tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng), giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80%.
“Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, từ 23/1- 28/03/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng, đồng thời đã và đang xem xét miễn giảm lãi vay cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng, chủ yếu là khách hàng thuộc các lĩnh vực du lịch, khách sạn - cơ sở lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, bán buôn bán lẻ, giáo dục, vận tải, xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà chưa nằm trong nhóm được hỗ trợ nói trên.
Trong 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn... Người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước các khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Với người vay mua nhà ở, HoREA đề xuất phương án được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, về chi phí lãi vay được tính khấu trừ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo mô hình mẹ-con, HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp được giãn tiến độ 05 tháng đối với các khoản thu thuế phát sinh từ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP mà doanh nghiệp chưa nộp.