Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. (Ảnh: Nhật Bắc).
Thị trường bất động sản đang lệch pha, mất cân đối
“Lệch pha” là từ khoá được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhắc lại nhiều lần khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra sáng nay, 11/8.
Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại nhưng cũng chỉ bằng 44% so với năm 2017 là năm đỉnh cao.
“Thị trường bất động sản có một số dấu hiện đáng lo ngại, đó là tình trạng lệch pha cung cầu”, ông Châu cho biết.
Cụ thể, nguồn cung nhà ở đang “rất thiếu”, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động. Nguồn nhà ở liên tục giảm từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017. Đối với TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực bất động sản là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Dấu hiệu “lệch pha” thứ hai là lệch pha trong phân khúc thị trường, lệch pha phân khúc nhà ở cao cấp nhưng rất thiếu nhà ở bình dân, nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.
Đơn cử nhà ở bình dân, năm 2020 chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020 là 0%. Ngược lại nhà cao cấp năm 2021 chiếm 74% và 6 tháng đầu năm là 80,1%. Nhà ở xã hội chỉ đáp ứng 41% theo kế hoạch.
“Như vậy là rất mất cân đối. Đây là điều đáng quan ngại, việc tiếp cận được nhà ở của công nhân là vấn đề rất lớn”, ông Châu nhấn mạnh.
Theo ông Châu, tình trạng lệch pha nói trên dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua.
“Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Riêng quý I/2022 và tháng 7/2022, doanh nghiệp bất động sản không phát hành được trái phiếu nào”, ông Châu nói.
Cần các chính sách giúp thị trường minh bạch, thuận lợi
Đề xuất một số giải pháp giải quyết tình trạng trên, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch.
“Cách đây 2 ngày, TP.HCM tuyên bố đấu giá trở lại quyền sử dụng đất đối với 4 lô đất tại Thủ Thiêm là tin tốt đối với thị trường bất động sản”, ông Châu nói.
Thứ hai, ông Châu đề nghị Chính phủ xem xét chấp thuận ý kiến của UBND TP.HCM về việc áp dụng phương pháp sớm điều chỉnh biến động giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại, kể cả những dự án trên 30 tỷ đồng theo bảng giá đất. Luật Đất đai dự kiến sửa đổi phù hợp với giá thị trường.
“Nếu áp dụng được điều này thì sẽ minh bạch, rút được thời gian làm thủ tục từ 3 đến 5 năm xuống còn 15 ngày. Cán bộ công chức sẽ không bị rủi ro về pháp lý”, ông phân tích.
Thứ ba, cần thực hiện cơ chế hoán đổi các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.
Thứ tư, ông Châu tha thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý ,nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, để doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.
Cũng liên quan đến vốn, đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.
Cuối cùng, ông Châu đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở để bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đô thị nhà ở.