TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) chỉ ra 5 cơ hội phát triển cho các hợp tác xã khi chuyển đổi xanh.
Tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”, TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) đã chỉ ra 5 cơ hội phát triển cho các hợp tác xã khi chuyển đổi xanh.
Nhiều cơ hội...
Thứ nhất, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị. Cụ thể, Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Thứ hai, Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi xanh như: Quyết định số 1658 về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, với định hướng “Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên...; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững”.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên, đảm bảo trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá.
Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Thứ ba, trong tiến trình chuyển đổi xanh, các hợp tác xã nông nghiệp có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, năng lực nội tại của mình thông qua việc đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ và lao động của hợp tác xã .
Thứ tư, các hợp tác xã nông nghiệp có cơ hội chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động nông nghiệp. Chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu, ở đó các hợp tác xã nông nghiệp có cơ hội liên kết, hợp tác, tiếp cận mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế, từ đó mở rộng quy mô hoạt động của hợp tác xã, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Thứ năm, chuyển đổi xanh thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho hợp tác xã và các thành viên.
Nhưng vẫn còn thách thức
Tuy nhiên, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rằng, quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các hợp tác xã nông nghiệp như sự phát triển không đồng đều của hợp tác xã giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc các hợp tác xã khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã .
Một điểm yếu nữa là năng lực nội tại của hợp tác xã còn chưa đủ đầy, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã vẫn còn hạn chế.
Hiện tại, đa phần quy mô của hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhỏ lẻ, manh mún, vốn tiếp cận ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp dẫn đến khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải carbon thấp, khó hấp thụ được các chính sách tín dụng, khả năng chuyển đổi mô hình hoạt động kém linh hoạt.
TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các hợp tác xã.
Thêm vào đó, các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện tốt các chương trình, đề án về phát triển xanh, nhất là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; “Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.”
Song song với đó là tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý, TS. Vũ Mạnh Hùng cũng nêu rõ, các hợp tác xã nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.
“Việc chế biến tiêu dùng cũng cần phải thay đổi, các doanh nghiệp chế biến cũng phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn chế biến, các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, hạn chế phát thải khí nhà kính…”, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Muốn đón đầu cơ hội trong cuộc đua chuyển đổi xanh này, các hợp tác xã cần tăng cường tính liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Đặc biệt, cần phải có sự liên kết không chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân mà cần có sự tham gia mạnh mẽ của thành phần khác như doanh nghiệp cung cấp đầu vào, ngân hàng và sự tham gia của Nhà nước.