Hợp tác với doanh nghiệp Israel: Tránh tâm lý “ăn xổi”

0:00 / 0:00
0:00
Thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử, rau quả, giày dép… là những ngành hàng có khả năng tăng tốc xuất khẩu sang Israel nhờ cú hích của FTA mới ký kết. Doanh nghiệp cần lưu ý khi làm ăn với thị trường này là phải đảm bảo chất lượng, tránh tâm lý “ăn xổi”.

Thị trường nhiều cơ hội

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) vừa được ký kết sau 7 năm với 12 phiên đàm phán chính thức. FTA này sẽ sớm được 2 quốc gia phê chuẩn để thực thi, mở ra cơ hội thị trường cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Israel hiện là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Á. Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước có sự bổ sung cho nhau.

Ngành da giày - túi xách của Việt Nam xuất khẩu 28 tỷ USD năm 2022, nhưng năm 2023, dưới tác động của suy thoái kinh tế, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nửa đầu năm 2023 mới đạt 12 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ.

Nói về VIFTA vừa được ký kết và cơ hội của ngành, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày TP.HCM cho hay, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành da giày rất khó khăn, đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh 30-40%, các nhà nhập khẩu ở hầu hết thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới. Trong bối cảnh đó, việc có thêm một thị trường mới như Israel giúp ngành thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu.

“Dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành, nhưng về lâu dài sẽ rất giá trị, vì có sức mua, khả năng thanh toán cao, nhu cầu tiêu dùng khá lớn, còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể khai thác hiệu quả”, ông Khánh phân tích.

Trong khi đó, ngành rau quả lại đang kỳ vọng, Israel sớm trở thành là thị trường top 10 của xuất khẩu rau quả Việt Nam.

“Israel có đời sống cao. Họ rất mạnh về nông nghiệp, nhưng nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới như thanh long, nhãn, vải, xoài… bị thiếu hụt, trong khi đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Do đó, cơ hội cho xuất khẩu rau quả tươi nhiệt đới vào thị trường này rất lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam tin tưởng.

Ngoài các loại trái cây tươi mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, ngành rau quả đang phát triển mảng chế biến. Kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây chế biến đã vượt 1 tỷ USD vào cuối năm ngoái, nhiều sản phẩm có thể thâm nhập và cạnh tranh tại Israel tương đối tốt.

Với ngành thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ cũng đang mong chờ VIFTA đi vào thực thi để có thêm cầu nối đưa hàng hóa đi các nước Trung Đông. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn cho rằng: “Với ngành gỗ, mặc dù hiện tại lượng sản phẩm nội thất xuất khẩu qua Isarel chưa nhiều, song với VIFTA sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ tiếp cận thị trường này và khu vực Trung Đông”.

Tránh tâm lý “ăn xổi”

Theo các chuyên gia thương mại, để làm ăn lâu dài với Israel cũng như các thị trường khác, doanh nghiệp Việt phải chú trọng chất lượng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu mang tính đặc thù từ thị trường này.

Ông Đặng Phúc Nguyên lưu ý, Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao. Khi làm ăn tại Israel, doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập quán kinh doanh của quốc gia và doanh nghiệp đối tác, tránh tâm lý “ăn xổi”.

“Mặc dù tiêu chuẩn thị trường của Israel không quá khắt khe như Mỹ hay EU, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định phải đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn của người mua hàng. Với trái cây tươi, ít nhất phải có tiêu chuẩn Global GAP”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Với thực phẩm chế biến, cần chú ý đến một số tiêu chuẩn đặc thù như chứng nhận Kosher - tiêu chuẩn về thực phẩm của người Do Thái. Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, nhưng sản phẩm không theo tiêu chuẩn Kosher có thị phần nhỏ hơn tại Israel. Hầu hết siêu thị, khách sạn từ chối sử dụng sản phẩm không có chứng nhận này.

Ngoài ra, đây cũng là một thị trường xa, do đó, khi xuất khẩu sang đây, doanh nghiệp phải có công nghệ bảo quản phù hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Với thủy sản, Israel là một trong 22 thị trường hàng đầu trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra… Trong đó, năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản).

Về hành trang cần chuẩn bị cho doanh nghiệp thủy sản thâm nhập thị trường Isarel, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, do VIFTA vừa ký kết nên VASEP cần thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để phổ biến tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã tận dụng được từ các FTA khác như EVFTA, CPTPP… ông Hòe tin tưởng, các doanh nghiệp thủy sản sẽ tận dụng được lợi thế từ FTA với Isarel, từ đó đưa thủy sản Việt Nam cạnh tranh tốt tại Israel và tăng được kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam và Israel kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn trong thời gian tới nhờ VIFTA đi vào thực thi. Hiệp định đạt được tỷ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế, trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế.

Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Israel đã tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2019, lên 1,88 tỷ USD năm 2021 và khoảng 2,2 tỷ USD năm 2022.

Tin bài liên quan