Để phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, ông Hirotaka cho rằng, cần phải có giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, cần có các đề án và tiến hành các cuộc khảo sát cho việc cơ giới hóa phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng miền; có chính sách hỗ trợ mua máy móc cho nông dân…
Cùng với đó, cần hiện đại hóa nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Cụ thể, nhằm nâng cao năng suất nông sản và chất lượng cuộc sống nông dân, cần hoạch định cho việc phát triển nông nghiệp với sự liên kết giữa các tỉnh với Chính phủ; có kế hoạch canh tác với quy mô lớn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng miền địa phương; hướng dẫn nông dân nhận thức đúng về các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp và phương pháp sử dụng; hỗ trợ xây dựng vùng gia công - chế biến nông sản cạnh vùng canh tác để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao chất lượng trong chế biến nông phẩm…
Từ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại Nhật Bản, đại diện doanh nghiệp Nhật cho rằng, chính quyền cần hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho doanh nghiệp để thiết lập hệ thống xử lý nước thải nhằm phòng chống ô nhiễm đất. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề lưu thông hàng hóa, tham gia chuỗi phân phối, cập nhật và phân tích các số liệu thị trường…
Các doanh nghiệp Nhật rất quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Sau Hội thảo, các doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ đi tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, gặp gỡ doanh nghiệp, đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thời gian tới.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành chế biến nông, thủy sản của Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với hàng nông - lâm - thủy sản Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là, nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm sự ổn định về chất lượng và số lượng của nguồn nguyên liệu; nâng cao hàm lượng chế biến, bảo quản; hiện đại hóa lưu thông và vấn đề marketing.
Ông Hòa cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thuộc chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, định hướng được xác định là đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp tin cậy về các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao.
Với chương trình như vậy, những vấn đề mang tính chiến lược, như bảo đảm ổn định về chất lượng và số lượng nguồn nguyên liệu; nâng cao hàm lượng chế biến; hiện đại hóa lưu thông; cải thiện các hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu… sẽ được quan tâm và có những kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể.