Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2016 do Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức chiều qua (24/11), ông Sean Preston, Giám đốc Visa khu vực Việt Nam – Campuchia – Lào nhận định, sự nổi lên của fintech đã góp phần nhân rộng thanh toán điện tử. Nếu chúng ta xây dựng được môi trường cạnh tranh có sự quản lý tốt, tầm nhìn đổi mới sáng tạo sẽ khuyến khích tốt sự phát triển đó.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và thị trường tài chính Techcombank dẫn chứng, có thể kể đến như công ty cổ phần M_Service sở hữu ví điện tử MoMo nhận được 28 triệu USD từ Standard Chartered và Goldman Sachs, hay ý tưởng táo bạo của LoanVi – cung cấp khoản vay ngang hàng giữa người dùng cùng hàng loạt các giải pháp thanh toán trực tuyến khác như 1Pay, 123Pay, Payoo…
Việt Nam là một “mỏ vàng” cho các công ty công nghệ, khi sở hữu cấu trúc dân số trẻ, và năng động, tỷ lệ dân số kết nối với Internet đạt 44%, tỷ lệ sử dụng smartphone là 40% và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, mức độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính còn rất thấp, chỉ khoảng 30% dân số có tài khoản ngân hàng, so với con số trung bình 60% của thế giới. Tỷ lệ này còn thấp hơn ở vùng nông thôn, 16%.
“Lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó các sản phẩm cung cấp trải nghiệm ngân hàng là một sân chơi mới đang chờ được khai phá”, ông Sơn nhận định.
Thừa nhận hợp tác ngân hàng truyền thống và công ty fintech là một xu thế mạnh mẽ trên thế giới và điều này đã và đang đem lại những bước tiến lớn cho chất lượng dịch vụ ngân hàng, nhưng ông Ivan Mortimer Schutts, lãnh đạo phụ trách mảng thanh toán bán lẻ và mobile banking khu vực Đông Á của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của World Bank (WB), việc tích hợp giữa ngân hàng truyền thống với các công ty fintech đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam. Vì vậy, từ hành lang pháp lý cho đến cơ sở hạ tầng và các dịch vụ chính phủ đều cần được lưu tâm.
Theo ông Ivan Mortimer-Schutts, thách thức đối với nhà quản lý và hoạch định chính sách là việc làm thế nào để vừa tạo bước phát triển đột phá của dịch vụ ngân hàng, mà vẫn kiểm soát được biến động, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính thống nhất của các thị trường. Khung pháp lý cần cải tiến thế nào để thích ứng với các thay đổi?
“Các hãng đánh giá tín dụng và nguồn cung cấp dữ liệu phi tài chính có thể được dùng để đánh giá và quản trị rủi ro. Tuy nhiên, việc tiếp cận và sử dụng các nguồn dữ liệu này cũng làm dấy lên câu hỏi về bảo mật thông tin”, ông Ivan Mortimer-Schutts nói.
Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu Ernst&Young Jan Bellens lại lưu ý các đang thực hiện tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các công ty fintech để có thể cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số tiên tiến nhất, ngân hàng cũng đồng thời phải đặt câu hỏi: Liệu việc hợp tác hay tích hợp này sẽ đem lại những rủi ro cụ thể nào? Quan trọng hơn là làm thế nào để có thể quản lý những rủi ro này?
Theo ông Jan Bellens, khi thực hiện hợp tác với các công ty fintech, đặc biệt là với một công ty ít tên tuổi, ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với ba rủi ro hoạt động: rủi ro pháp lý, rủi ro đơn vị thứ ba và rủi ro dự án.
Về rủi ro pháp lý, ngân hàng cần rà soát các đặc điểm và chức năng của sản phẩm mới để tránh các ảnh hưởng tiềm tàng về mặt pháp lý. Việc này nhằm đảm bảo ngân hàng không bỏ sót các quy định mới, cũng như việc tuân thủ các quy định hiện hành không bị ảnh hưởng.
“Quản lý rủi ro pháp lý là đặc biệt quan trọng vì các tổ chức phi ngân hàng có thể không được chuẩn bị đầy đủ các chính sách an ninh toàn diện và quy định về tài chính của các tổ chức này lỏng lẻo hơn các tổ chức tín dụng truyền thống. Vì vậy, lãnh đạo các ngân hàng cần có sự giám sát chặt chẽ các rủi ro công nghệ mới nổi trên phương diện rủi ro pháp lý”, ông Jan Bellens nhấn mạnh.
Về rủi ro của đơn vị cung cấp thứ ba, ông Jan Bellens cho rằng, việc giao những công việc nhất định cho một bên thứ ba thực hiện, bất kể tự động hay thủ công, sẽ tạo ra những rủi ro mới. Mặc dù ngân hàng không có quyền quản lý trực tiếp, nhưng ngân hàng vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý nếu rủi ro phát sinh. Do đó, ngân hàng cần chặt chẽ hơn khi đánh giá các đơn vị cung cấp công nghệ, đồng thời áp dụng các biện pháp quản lý và thẩm định rủi ro, tốt nhất là các biện pháp này có thể định lượng và chứng minh được với cơ quan chức năng.
“Điều này cũng bao gồm việc lập kế hoạch dự phòng kinh doanh để giảm thiểu sự gián đoạn trong dịch vụ hay công nghệ của nhà cung cấp fintech”, ông Jan Bellens nói.
Theo ông Bellens, do tỷ lệ thất bại của các dự án chuyển đổi được ước tính có thể lên tới 50%, các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch triển khai dự án fintech một cách toàn diện. Các ngân hàng cần hiểu rõ các yếu tố mới trong rủi ro hoạt động khi thực hiện triển khai Fintech có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng như thế nào và các chức năng cần bổ sung để giải quyết các rủi ro này là gì.
Trong khi đó, Giám đốc Visa khu vực Việt Nam - Campuchia – Lào Sean Preston lại khuyến nghị các ngân hàng vấn đề cụ thể khi hợp tác với các công ty fintech. Đó là, cần nâng cao hiểu biết và kỹ năng bảo mật tài khoản của khách hàng.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán điện tử thời gian qua đã đem lại sự tiện lợi rất lớn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thanh toán điện tử thì rủi ro lỗ hổng bảo mật cũng là một thách thức lớn đối với các ngân hàng.