Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: Triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam và Singapore đang tích cực hợp tác để thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam trao đổi về đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Sự thành công của các khu công nghiệp VSIP là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore. Ảnh: Đức Thanh

Sự thành công của các khu công nghiệp VSIP là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore. Ảnh: Đức Thanh

Tháng 2/2022, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Singapore. Khi đó, hai nước cam kết tiếp tục thắt chặt quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Thưa Đại sứ, sự hợp tác này đã và đang được thực hiện thế nào?

Mối quan hệ mạnh mẽ về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Singapore và Việt Nam được củng cố bởi nhiều thập kỷ cam kết nhất quán và có ý nghĩa giữa hai chính phủ và nhân dân của chúng ta. Trong chuyến thăm cấp nhà nước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Singapore Halimah Yacob đã tái khẳng định mối quan hệ này và cam kết đẩy mạnh hợp tác hơn nữa. Hai nhà lãnh đạo cũng chứng kiến việc ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Chúng ta đang bắt đầu từ một nền tảng rất vững chắc. Singapore là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam trong 2 năm qua, hiện đứng thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 70 tỷ USD. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư Singapore đối với tiềm năng kinh tế của Việt Nam và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bất chấp sự gián đoạn do đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, các công ty Singapore vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới để đa dạng hóa, mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.

Đại sứ có thể chia sẻ thông tin về những lĩnh vực đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam?

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam.
Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam.

Tôi muốn nêu bật 3 lĩnh vực.

Lĩnh vực thứ nhất là chuỗi cung ứng và hậu cần. Những cú sốc về chuỗi cung ứng toàn cầu gần đây đã cho mọi người thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. Các công ty Singapore mong muốn đóng góp thêm về chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực và các giải pháp kỹ thuật số để phát triển lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Tôi xin dẫn chứng một ví dụ, khi hoàn thành, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đa phương thức do Tập đoàn YCH của Singapore và Tập đoàn T&T của Việt Nam thành lập sẽ tăng cường kết nối thương mại và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong khu vực của chúng ta.

Lĩnh vực thứ hai là nền kinh tế xanh. Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam khi Việt Nam tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo, với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Sự hợp tác giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong những mối quan hệ đối tác đầy hứa hẹn trong lĩnh vực này. Sembcorp cũng đang nỗ lực phát triển mạng lưới các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để tích hợp tính bền vững và đổi mới. Vào tháng 3 năm nay, chúng tôi đã tổ chức lễ ra mắt VSIP thứ 11 tại tỉnh Bình Dương, nơi sẽ xây dựng một nhà máy trung hòa carbon do Tập đoàn LEGO sở hữu và vận hành.

Lĩnh vực thứ ba là kinh tế số. Phát triển kinh tế số sẽ là ưu tiên hàng đầu của cả hai quốc gia chúng ta trong những thập kỷ tới. Việt Nam đã xác định kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng chính thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ đang tăng nhanh tại Việt Nam khiến lĩnh vực này trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty Singapore trong thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số, thành phố thông minh và thương mại số.

ASEAN đang rà soát và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có. Thưa Đại sứ, Việt Nam và Singapore đã và đang hợp tác thế nào trong việc tháo gỡ các rào cản cho việc gia tăng thương mại - đầu tư giữa 2 quốc gia?

Singapore tự hào về quan hệ đối tác bền vững với Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hai chiều.

Singapore và Việt Nam là 2 trong số các quốc gia ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ nhất trong ASEAN. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã nỗ lực để loại bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, không chỉ giữa Việt Nam và Singapore, mà còn với các đối tác trên toàn thế giới.

Nói rộng hơn, chúng ta ủng hộ nhiệt thành cho thương mại tự do cả trong ASEAN, cũng như khu vực và thế giới. Chúng tôi tin rằng, sự thịnh vượng và phát triển trong tương lai của ASEAN sẽ phụ thuộc vào khả năng của Khối trong việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng cầu nối với các khu vực khác.

Là hai quốc gia ASEAN đã phê chuẩn các FTA với Liên minh châu Âu (EU), Singapore và Việt Nam hy vọng rằng, các hiệp định này sẽ đóng vai trò là con đường dẫn đến một FTA cuối cùng của EU - ASEAN. Chúng ta đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hy vọng rằng, các quốc gia thành viên ASEAN khác sẽ cùng Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam ký kết hiệp định này.

Chúng ta cũng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với các quốc gia thành viên ASEAN khác. Trước những thách thức đang nổi lên và công nghệ phát triển, chúng tôi cũng hoan nghênh việc xem xét các FTA hiện có trong ASEAN để xác định các lĩnh vực hợp tác mới.

Ngoài ra, Singapore và Việt Nam còn chú trọng thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn. Sức mạnh tổng hợp này đã mang lại sự hợp tác bao gồm các VSIP cũng như các hiệp định đầu tư đi kèm với hầu hết các FTA của ASEAN. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam nằm trong số những lựa chọn hàng đầu để mở rộng ra nước ngoài của các công ty Singapore. Đó là nhờ vào sự thuận lợi trong kinh doanh và mức độ tin cậy cao giữa các tập đoàn của chúng ta.

Singapore tự hào về quan hệ đối tác bền vững với Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hai chiều. Đến nay, những thành công của chúng tôi cho thấy tiềm năng hợp tác mạnh mẽ hơn nữa khi hai nước chúng ta hướng tới cam kết chung về xây dựng một nền kinh tế xanh và số.

Việt Nam và Singapore đã thành lập nhóm công tác về hợp tác kinh tế số. Sự hợp tác này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam và Singapore hợp tác với nhau như thế nào? Singapore có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với Việt Nam trong chuyển đổi số, thưa Đại sứ?

Sau khi ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế số trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore vào tháng 2 năm nay, một nhóm công tác chung đã được giao nhiệm vụ triển khai hợp tác kinh tế số giữa hai nước. Nhóm làm việc sẽ khám phá các lĩnh vực hợp tác mới như luồng dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng, quản trị trí tuệ nhân tạo và thanh toán điện tử, bao gồm cả với các cơ chế thử nghiệm về chính sách (regulatory sandboxes).

Nền kinh tế số, giống như thương mại quốc tế, không phải là một trò chơi có tổng bằng không. Cuối cùng, hợp tác song phương về số của chúng ta nhằm mục đích thiết lập các chuẩn mực chung và các hệ thống có thể tương tác. Điều này sẽ tạo nền tảng cho các công ty Việt Nam và Singapore giao dịch với nhau một cách dễ dàng và an toàn, đồng thời cho phép họ phát triển hoạt động kinh doanh số của mình. Việc thiết lập nền tảng chung trong các lĩnh vực này cũng sẽ giúp tăng cường việc áp dụng các công nghệ mới nổi một cách an toàn và đáng tin cậy, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới lớn hơn.

Đào tạo nguồn nhân lực là một thành phần quan trọng khác trong các nỗ lực hợp tác về kinh tế số của chúng ta. Việt Nam là đối tác số một của Chương trình Hợp tác Singapore (SCP). Chúng tôi rất tự hào đã đào tạo được cán bộ Việt Nam thứ 20.000 theo SCP vào năm 2021, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm của Chương trình. SCP sẽ tiếp tục phát triển cùng với nhu cầu tăng lên của Việt Nam.

Chúng tôi đã và đang hỗ trợ Chương trình nghị sự về Công nghiệp 4.0 của Việt Nam bằng cách chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, bao gồm quản trị, an ninh mạng, thương mại điện tử, thương mại - đầu tư và cải cách tư pháp. Chúng tôi mong muốn có được những cam kết bền vững giữa hai chính phủ, doanh nghiệp và xã hội của hai nước chúng ta trong nỗ lực chung nhằm đẩy mạnh số hóa.

Tin bài liên quan