2017: Vượt khó để cán đích
Đã từng có không ít luận điểm hoài nghi, tranh luận trái chiều về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong bối cảnh năm 2017 có không ít thách thức, đặc biệt là từ những diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế thế giới khi những bất ổn địa chính trị, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng.
Ở trong nước, diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, cùng sự gia tăng tần suất và mức độ thiên tai đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó có các ngành sản xuất chủ lực như nông lâm nghiệp, thủy hải sản.
Mặc dù vậy, vượt qua những khó khăn, trở ngại, kế hoạch tăng trưởng của hầu hết các ngành chủ lực đều đang trên đà cán đích.
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 và dự báo năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Kết quả nổi bật nhất năm 2017 là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn và trên đà hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017”.
“Ước tính, quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD. Lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất - kinh doanh; lãi suất giảm từ 0,5 - 1 điểm phần trăm/năm; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, VN-Index vượt mốc 800 điểm trong vòng 9 năm qua; thu ngân sách đạt khá; nợ công trong giới hạn quy định”, ông Dũng nói.
Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2016; công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng tăng cao, bù đắp được sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng; dịch vụ, du lịch phát triển vượt bậc, nhất là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; xuất nhập khẩu tăng mạnh, vượt xa mục tiêu đã đề ra của cả năm 2017; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển doanh nghiệp tăng cao nhất từ trước tới nay; công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới mạnh mẽ, tăng cường đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Kinh tế Việt Nam trong quý III tăng trưởng kỷ lục, chất lượng tăng trưởng cải thiện.
Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và triển khai 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) đều được tập trung triển khai và đạt được kết quả đáng ghi nhận, điển hình là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đạt một số kết quả bước đầu; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt; đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cắt giảm đáng kể các điều kiện kinh doanh; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp...
Theo vị tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, đây là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang thực sự phục hồi, khởi sắc, củng cố được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, là tiền đề tốt, tạo đà phát triển nhanh, bền vững để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.
2018: Cơ hội đan xen thách thức
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thương mại và giá cả toàn cầu được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực; dòng vốn đầu tư và khách du lịch trên thế giới có sự dịch chuyển đến các quốc gia có môi trường hấp dẫn, trong đó có Việt Nam; nhiều cơ chế, chính sách chỉ đạo điều hành tiếp tục phát huy hiệu quả; người dân, doanh nghiệp có thêm niềm tin, sự hứng khởi phát triển sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước được nhận định sẽ có những thách thức không nhỏ, như động lực tăng trưởng trong công nghiệp chế biến, chế tạo không còn sự đột biến; dư địa cho những động lực phát triển dựa vào tài nguyên và các động lực truyền thống đã tới hạn; vẫn còn không ít vấn đề tồn tại trong nội tại nền kinh tế như nợ xấu, nợ công, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nhiều doanh nghiệp trong nước có sự hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số động lực tăng trưởng đến từ khai thác dầu khí, than, đóng góp của Samsung, Formosa, kiều hối... đều đã được tận dụng trong năm 2017 và khó có khả năng có mức tăng bứt phá trong năm 2018; ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, trong đó sản lượng dầu thô năm 2018 dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017; dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có thể gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017; thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm...
Trong bối cảnh cơ hội đan xen thách thức, Chính phủ đã đưa ra dự kiến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản năm 2018 trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, GDP tăng 6,5 - 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33 - 34% GDP. Trong đó, chú trọng các cân đối chính trong cán cân kinh tế thương mại và đầu tư như cân đối đối thu chi ngân sách, vốn đầu tư phát triển, cân đối xuất nhập khẩu, cân đối về điện.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp chính, giải quyết được các vấn đề trọng yếu như tăng cường ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hoàn thiện các cơ chế chính sách và hệ thống thể chế. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược, khơi thông, phát huy mọi nguồn lực trong toàn xã hội đầu tư phát triển. Điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.
Nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế. Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh...