Trong Hội nghị tài chính quốc tế lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội tuần qua, Tập đoàn Miraeasset Daewoo (Hàn Quốc) đánh giá, những DN mạnh mẽ và xuất sắc của Việt Nam như Vinamilk, Vietcombank, Sabeco, Vingroup… có rất nhiều cơ hội vươn ra thị trường quốc tế và các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp không nên “bỏ qua” cơ hội góp sức với DN loại này.
Trong con mắt của nhà đầu tư quốc tế, dù ở quy mô vốn hóa lớn nhất như Vinamilk (12 tỷ USD) thì dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Hiện nay, mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam đạt khoảng 26 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với Singapore (45 lít/người/năm) hay Thái Lan (35 lít/người/năm).
Tại Sabeco (vốn hóa 6,6 tỷ USD), DN sản xuất bia lớn nhất Việt Nam với thương hiệu độc quyền, cơ hội gia tăng hiệu quả còn rộng. Trong khi biên lợi nhuận gộp trung bình ở các công ty khác trong khu vực là 35% thì SAB chỉ đạt 27%. Nếu cải thiện chất lượng quản trị, Sabeco có cơ hội mang lại nhiều giá trị hơn cho nhà đầu tư và thị trường.
Với hàng loạt ngân hàng có quy mô vốn hóa hàng tỷ USD như Vietcombank (10 tỷ USD), BIDV (5 tỷ USD), Vietinbank (4,5 tỷ USD), MBBank (2,5 tỷ USD)…, cơ hội gia tăng giá trị trong một nền kinh tế đang tăng trưởng cao là rõ nét.
MBBank đặt kế hoạch 6.800 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2018, trong khi Vietcombank hướng đến lợi nhuận 2018 quanh mốc 10.000 tỷ đồng. Với tầm nhìn bao quát và trải nghiệm thực tế, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá, thị trường tài chính Việt Nam đang có cơ hội rất lớn nếu họ được góp sức phát triển cùng DN.
Với nhà đầu tư khác thì sao? Vinamilk gia nhập TTCK năm 2006 với giá cổ phiếu chào sàn chỉ có 53.000 đồng, vốn điều lệ 1.590 tỷ đồng, bằng khoảng 10% số vốn điều lệ hiện nay. Vingroup gia nhập TTCK năm 2007 với vốn điều lệ chỉ 800 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều con số 26.500 tỷ đồng hiện nay.
Một DN tư nhân thuần túy như HPG, lên sàn năm 2007 với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, nay đã tăng lên trên 15.000 tỷ đồng và giá trị vốn hóa tăng mạnh.
Theo thời gian, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của nhiều DN niêm yết được hình thành sự góp sức miệt mài của các nhà đầu tư. Sự đóng góp này hoặc theo hình thức nhận cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc không nhận cổ tức hoặc góp thêm tiền cho DN có dòng vốn mới để mở rộng kinh doanh.
Mùa đại hội 2018 khởi động sớm hơn mọi năm trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao ngay từ những tháng đầu năm, thúc guồng quay sản xuất kinh doanh tại các DN chuyển động. Ngắm chiến lược 2018 mà các DN chia sẻ trong số báo này như MBB, AAA, HPG, NLG, DHG, NTP… sẽ thấy, tinh thần đổi mới, vượt qua chính mình được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
Trong khi Chính phủ quyết tâm sẽ “vững lái” vai trò kiến tạo môi trường kinh doanh, thị trường trông chờ các DN tiên phong tiếp tục sáng tạo, tìm kiếm thêm nhiều nguồn lực mới từ nhà đầu tư trong và ngoài nước để vững đà tăng trưởng và góp sức đưa GDP về đích.
Cơ hội “cùng thắng” khi song hành với các DN mạnh luôn hiện hữu. Chỉ cần bạn chú tâm nhận ra nội lực và niềm tin nơi các DN định đầu tư.