Có mặt trong Lễ công bố quyết định hợp nhất CTCK Quốc tế Việt Nam (VISecurities) và CTCK Đại Tây Dương (OSC), ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Ngân hàng Phương Đông chia sẻ với ĐTCK rằng, ông không đại diện cho pháp nhân Ngân hàng góp vốn vào CTCK, nhưng cá nhân ông có sở hữu cổ phần của CTCK hình thành sau hợp nhất (VIS).
Ông tin TTCK sẽ tạo cơ hội cho Công ty và ông sẽ tiếp tục hỗ trợ để VIS phát triển.
Từ 2 CTCK độc lập với vốn góp ban đầu tổng cộng 335 tỷ đồng, sau quá trình dài kinh doanh thua lỗ, HĐQT và các cổ đông hai bên đã quyết định hợp nhất để xóa sạch lỗ lũy kế, trở thành CTCK có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh chỉ còn môi giới, tư vấn và lưu ký chứng khoán (trước đây có nghiệp vụ tư doanh, nhưng nay vốn điều lệ không đủ để thực hiện).
Chấp nhận việc xóa lỗ và giảm lượng lớn cổ phần (cổ đông VIS cứ sở hữu 4 cổ phần thì sau hợp nhất chỉ còn 1; cổ đông OSC cứ sở hữu 13,5 cổ phần, thì sau hợp nhất còn 1), các cổ đông của 2 công ty sẽ kiên trì chờ đến ngày hoàn vốn và có lãi. Ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, ông tin cơ hội sẽ đến với CTCK sau hợp nhất và đó là lý do ông ở lại với vai trò cổ đông.
Quá trình hợp nhất VIS-OSC được thực hiện từ năm 2013 và hơn 2 tháng nay, VIS chính thức có Tổng giám đốc mới. Theo đó, từ ngày 14/7/2014, ông Nguyễn Anh Tuấn, quyền Tổng giám đốc VIS chuyển sang ngồi ghế Phó tổng, “nhường” vị trí nóng CEO cho ông Cao Thanh Định, người từng giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Đông Á.
Trao đổi với báo chí, ông Định cho hay, sức ép vị trí CEO là không nhỏ, nhưng điểm tựa cho VIS sau hợp nhất là sự cam kết dài hạn của các cổ đông. Theo ông Định, quá trình đưa hai công ty về một phải xử lý nhiều việc phức tạp, trong đó có vấn đề về nhân sự, tuy nhiên, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ, CTCK mới bắt đầu có lãi kể từ đầu năm đến nay.
Với vốn điều lệ chỉ còn 60 tỷ đồng, VIS sau hợp nhất là một CTCK “sạch sẽ” về tài chính, nhưng còn quá sớm để kỳ vọng Công ty có sức cạnh tranh so với các tên tuổi lớn như SSI, HSC, FPTS, BVSC, VCSC…
Sau hợp nhất, có yếu tố nào đặc biệt để tin rằng, VIS hôm nay sẽ khá hơn VIS của quá khứ hay không? Trả lời câu hỏi trên của ĐTCK, ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng, đó chính là thời cơ thị trường.
Trong quá khứ, VIS đã lỗ rất nặng, mà theo ông Tuấn, kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro. Trong tương lai, VIS vẫn có ngần đó con người, nhưng thời cơ thị trường là nhân tố tạo nên niềm hy vọng mới cho các cổ đông Công ty.
Tuy nhiên, thời cơ luôn dành cho tất cả các thành viên thị trường, không riêng VIS. Vì thế, VIS phải tìm ra một hướng đi riêng nếu muốn bứt phá so với chính mình, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với các CTCK đã thành danh. Ông Cao Thanh Định, người chèo lái mới của VIS cho biết, Công ty chưa đặt ra một kế hoạch cụ thể như lãi cao năm nay, hay niêm yết trong năm tới, nhưng sẽ cố gắng từng bước để có lãi và vươn lên.