Tháng 4/2016, Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác, đây là một trong những bước chuẩn bị cho việc hợp nhất, hình thành nên Sở GDCK Việt Nam

Tháng 4/2016, Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác, đây là một trong những bước chuẩn bị cho việc hợp nhất, hình thành nên Sở GDCK Việt Nam

Hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán: Việt Nam không thể làm khác thông lệ

(ĐTCK) Đề án hợp nhất Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội vừa được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Được biết, Đề án được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp nhất trí cao. 

Trả lời phỏng vấn Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, Đề án được xây dựng hướng đến mục tiêu nâng tầm thị trường, thúc đẩy TTCK bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, tăng hiệu quả và từng bước hội nhập.

Được biết, Đề án hợp nhất Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Xin ông chia sẻ thêm thông tin về tiến trình đi đến việc đề xuất hợp nhất Sở và xét trong xu hướng quốc tế, việc hợp nhất có thực sự cần thiết không, thưa ông?

 Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng

Theo Đề án tái cấu trúc TTCK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, trong 4 trụ cột tái cấu trúc thì đến nay 3 trụ cột gồm: hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán đã cơ bản hoàn tất.

Riêng trụ cột tái cấu trúc tổ chức thị trường đến nay chưa triển khai được, trong khi mảng việc này, lẽ ra đã phải hoàn thành từ năm 2015. Với nền tảng hạ tầng công nghệ phát triển như hiện nay, việc tồn tại song song hai Sở GDCK gây nên sự lãng phí về nguồn lực xã hội, hiệu quả hoạt động khi hệ thống giao dịch, hệ thống quy trình, quy chế không đồng bộ.

Việc đồng bộ hóa công nghệ thông tin trên toàn TTCK Việt Nam (thông qua triển khai gói thầu 04) thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, để triển khai được, cần sự thống nhất về tiêu chuẩn và cách làm từ các đơn vị liên quan, đặc biệt là 2 Sở GDCK.

Trên bình diện quốc tế, xu hướng hợp nhất các Sở GDCK đã diễn ra mạnh mẽ trên thế giới trong những năm qua, nên việc hợp nhất HNX và HOSE để thành lập Sở GDCK Việt Nam cũng là tất yếu. Việc hợp nhất là rất cần thiết để hướng đến lợi ích tổng thể cao hơn cho toàn thị trường, thúc đẩy TTCK bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, nâng tầm để hội nhập.

Thực tế, trong 20 năm đầu tiên tạo dựng ngành, tạo dựng TTCK, việc Việt Nam có 2 Sở GDCK là phù hợp, nhưng đến nay, khi mục tiêu của chúng ta muốn vươn tầm nâng hạng và tiến đến hội nhập với thị trường vốn khu vực, việc hợp nhất Sở là con đường tất yếu và đến lúc phải thực thi.

Tôi cho rằng, quyết định hợp nhất Sở GDCK nếu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, sẽ không chỉ tốt cho các chủ thể đang tham gia thị trường, mà còn giúp hình ảnh Sở GDCK Việt Nam được đánh giá cao hơn trên bình diện quốc tế, giúp TTCK Việt Nam tăng cường khả năng hợp tác với các thị trường lớn hơn để vươn lên. 

Như ông vừa nói, hợp nhất Sở GDCK là xu hướng tất yếu, xin ông chia sẻ những thông số cụ thể hơn?

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn phát triển ban đầu, các thị trường trên thế giới có nhiều Sở GDCK, vì lúc đó công nghệ thông tin chưa phát triển, họ cần thành lập nhiều Sở ở các địa bàn khác nhau để các công ty chứng khoán thuận lợi trong việc cử nhân sự tham gia đại diện tại Sở GDCK để đặt lệnh và xử lý các vấn đề liên quan đến giao dịch.

Sau đó, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, hầu hết các giao tiếp trên TTCK là qua online, nên yếu tố địa lý không còn là cản trở nữa, xu hướng hợp nhất các Sở GDCK trở nên phổ biến.

Trước đây Nhật Bản có 6 Sở GDCK, thì nay hợp nhất còn 1; Hồng Kông có 4 Sở, nay hợp nhất còn 1; Hàn Quốc có 2 Sở GDCK, thì nay chỉ còn 1 Sở… Xu hướng hợp nhất không chỉ phổ biến ở phạm vi quốc gia, mà còn ở cấp độ khu vực. Chẳng hạn, Sở GDCK Euronext có sự liên kết bởi 6 Sở GDCK các quốc gia thành viên. 

Tại Việt Nam, Đề án hợp nhất hai Sở GDCK nếu được Thủ tướng quyết thông qua, theo ông, việc hợp nhất sẽ được tiến hành theo các bước nào?

Kinh nghiệm hợp nhất các Sở GDCK trên thế giới cho thấy, cần khoảng 3-5 năm để hoàn tất, chứ không thể làm ngay trong thời gian ngắn. Sở dĩ cần khoảng thời gian khá dài vì trong suốt quá trình hợp nhất vẫn luôn phải đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, không giật cục và mục tiêu cao nhất của quá trình hợp nhất là tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể và gia tăng được hiệu quả hoạt động của thị trường.

Tại Việt Nam, chúng tôi chờ đợi Đề án hợp nhất hai Sở GDCK sớm được Thủ tướng Chính phủ quyết định thông qua. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, việc hợp nhất Sở dự kiến sẽ tiến hành theo 3 bước. Bước một là hợp nhất về nhân sự, bộ máy. Bước hai là hợp nhất về hệ thống công nghệ thông tin và bước ba là thống nhất việc quản lý các thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và TTCK phái sinh.

Về dự kiến của chúng tôi, theo thời gian, toàn bộ thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn giao dịch tại TP. HCM tổ chức quản lý, giao dịch, đầu cầu Hà Nội sẽ quản lý thị trường trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp) và tạo dựng TTCK phái sinh. Khối lượng công việc phía trước là rất lớn, nên tôi mong rằng, việc hợp nhất sẽ tạo động lực để nhân sự tại 2 Sở hiện nay có cùng tầm nhìn, cùng nỗ lực, chung sức xây dựng TTCK Việt Nam lớn mạnh. 

Nếu như việc hợp nhất Sở, như ông chia sẻ là câu chuyện tất yếu thì vấn đề chọn trụ sở chính cho Sở GDCK sau hợp nhất ở đâu, lại là điểm nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Xin ông chia sẻ thêm thông tin về việc này và quan điểm của ông trước những ý kiến trái chiều ra sao?

Thực tế vấn đề chọn trụ sở chính cho Sở GDCK sau hợp nhất ở đâu là câu chuyện được bàn thảo rất nhiều ở cấp chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Trong quyết định tới đây, Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ công bố việc này và tôi tin rằng, quyết định được đưa ra đã dựa trên sự cân nhắc tất cả các yếu tố cần thiết cũng như hiện trạng hoạt động của TTCK Việt Nam.

Mục tiêu cao nhất của quyết định là Sở GDCK sau hợp nhất phải vận hành an toàn, hiệu quả hơn, vị thế của TTCK, thị trường vốn Việt Nam dần trở nên cân bằng hơn trong cấu trúc tổng thể của thị trường tài chính.

Về các ý kiến tranh luận xung quanh việc chọn lựa địa điểm đặt trụ sở chính của Sở, chúng tôi thấy rằng, ý kiến nào cũng đều đáng tham khảo và đáng trân trọng. Khi phải quyết định chọn một địa điểm cụ thể, chắc chắn đó là quyết định lựa chọn dựa trên lợi ích chung của thị trường, lợi ích chung của đất nước.

Tôi mong rằng, các thành viên đang tham gia TTCK Việt Nam, đặc biệt là các nhân sự đang làm việc tại 2 Sở GDCK sẽ đón nhận quyết định hợp nhất Sở như một bước tiến quan trọng trong dấu ấn lịch sử của ngành chứng khoán. Việc hợp nhất sau khi có quyết định của Thủ tướng, sẽ tiến hành từng bước, đảm bảo sự ổn định về tư tưởng, công việc của các nhân sự đang làm việc trong ngành. Tôi tin rằng, nếu ở đâu đó có chút lo lắng, thì tương lai sẽ mang đến câu trả lời và xóa đi những mối lo lắng này.

Sàn HOSE:

Ngày 11/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg về việc thành lập hai Trung tâm Giao dịch chứng khoán, là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban khi đó trực thuộc Chính phủ, từ ngày 12/3/2004 chuyển vào Bộ Tài chính), gồm: Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC) và Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSTC).

Ngày 20/7/2000, HoSTC khai trương hoạt động. HoSTC thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, với hai mã cổ phiếu là REE và SAM.

Ngày 11/5/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 599/QĐ chuyển HoSTC thành Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, trên HOSE có 307 cổ phiếu, 1 chứng chỉ quỹ ETF, 39 trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết, với tổng giá trị niêm yết đạt 434.072 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cuối năm 2014. Trong đó, giá trị cổ phiếu niêm yết là 424.867 tỷ đồng, giá trị vốn hóa là gần 1,147 triệu tỷ đồng, tăng 16,4% so với cuối năm 2014 và tương đương 27,3% GDP năm 2015.

Hiện tại (20/10/2016), trên HOSE có 262 cổ phiếu niêm yết, trong đó có nhiều DN quy mô lớn, vốn hóa hàng tỷ USD.

Sàn HNX

Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội khai trương hoạt động ngày 8/3/2005, thực hiện tổ chức đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và từ ngày 14/7/2005 tổ chức giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2009, HaSTC được chuyển đổi thành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) theo Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mô hình công ty TNHH một thành viên, thuộc sở hữu Nhà nước, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

HNX thực hiện tổ chức hoạt động đấu giá cổ phần, tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ (từ năm 2006) và vận hành cùng lúc 3 thị trường là thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt và thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM, từ năm 2009). Năm 2015, HNX được Bộ Tài chính giao triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2017.

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, lượng vốn Chính phủ huy động được qua đấu giá tại HNX đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng. Trên thị trường thứ cấp, hiện có 293 mã trái phiếu Chính phủ niêm yết, với giá trị hơn 765.112 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch trung bình trên toàn thị trường trái phiếu đạt gần 6.000 tỷ đồng/phiên.

Sàn niêm yết tại HNX hiện có 377 cổ phiếu, sàn UPCoM có 351 cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Tin bài liên quan