Hợp đồng tín dụng vô hiệu, tài sản đảm bảo xử lý thế nào?

Hợp đồng tín dụng vô hiệu, tài sản đảm bảo xử lý thế nào?

(ĐTCK) Mặc dù hiếm gặp, nhưng trên thực tế, hợp đồng tín dụng vẫn có thể bị tuyên vô hiệu. Khi đó, hợp đồng thế chấp tài sản sẽ được xử lý ra sao? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty TNHH Luật Tam Anh, xung quanh vấn đề này. 

Hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đều thể hiện ý chí của các bên. Vậy trong trường hợp nào thì hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu, theo ông?

Theo quy định, nếu vi phạm các điều từ 122-130, Điều 407-408 của Bộ luật Dân sự 2015, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu một phần hoặc toàn bộ. Hợp đồng tín dụng cũng là một dạng giao dịch dân sự nói chung, nên được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự 2015.

Trong trường hợp hợp đồng tín dụng dùng để che đậy nhằm thực hiện hành vi khác, hoặc đối tượng hợp đồng không có thực, thì cũng bị vô hiệu theo điều luật tương ứng.

Trên thực tế, có nhiều yếu tố có thể khiến hợp đồng bị vô hiệu và tùy từng trường hợp để đưa ra các căn cứ khác nhau về hợp đồng vô hiệu. Song, nhìn chung, nếu hợp đồng mà không thể hiện đúng bản chất ý chí của các bên, thì khi nhận ra điều đó, một trong hai bên sẽ căn cứ vào điều luật yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

Hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp có quan hệ chặt chẽ. Thông thường, hợp đồng thế chấp vô hiệu sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng tín dụng. Nhưng trong trường hợp hợp đồng tín dụng bị tuyên bố vô hiệu, liệu có ảnh hưởng đến hợp đồng thế chấp? Căn cứ nào để xác định các giao dịch đảm bảo vẫn có hiệu lực thi hành?

Sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất, hợp đồng thế chấp không ảnh hưởng nhiều đến hợp đồng tín dụng. Bởi lẽ, trong hợp đồng tín dụng đã xác định rõ con nợ và khoản nợ. Việc hợp đồng thế chấp vô hiệu không ảnh hưởng đến việc xác định con nợ và số nợ, mà chỉ ảnh hưởng đến nguồn trả nợ thay thế trong hợp đồng tín dụng.

Hợp đồng tín dụng vô hiệu, tài sản đảm bảo xử lý thế nào? ảnh 1

  Luật sư Vũ Ngọc Chi

Thứ hai, về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng là hợp đồng gốc, hợp đồng chính, được các bên dựa vào đó để xác lập quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Trong khi đó, hợp đồng thế chấp như là một phương án dự phòng rủi ro ngoài hợp đồng chính nếu phương án ràng buộc trong hợp đồng tín dụng không được thực hiện, thì nó sẽ được thay thế bằng hợp đồng thế chấp.

Như vậy, nếu hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, có nghĩa là không xác lập quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chính, thì sẽ không có nghĩa vụ thay thế. Trong trường hợp tòa án tuyên hợp đồng tín dụng vô hiệu (tòa dân sự hoặc tòa hình sự) thì đều không phát sinh nghĩa vụ thay thế (tức là hợp đông thế chấp cũng không có hiệu lực). Điều này có nghĩa, khi không có nghĩa vụ buộc phải thực hiện thì cũng không có chủ thể nào phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp là vụ án hình sự, hợp đồng tín dụng được giải ngân xong, khi xác định tội danh của bị cáo, tòa án cũng sẽ tuyên buộc trách nhiệm về phần dân sự đối với bị cáo.

Ở đây, xét theo khía cạnh dân sự trong quan hệ giao dịch dân sự, thì bên thế chấp dùng tài sản của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự khi các giao dịch đó thực hiện trong thực tế. Chỉ khi gặp rủi ro kinh doanh, thì bên nhận thế chấp mới có quyền yêu cầu bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ thay thế cho con nợ.

Bởi, thông thường, bên thế chấp sẽ không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thay thế cho các hành vi vi phạm pháp luật, và nếu có như vậy thì việc thế chấp này cũng bị vô hiệu. Như vậy, rõ ràng, về mặt ý chí, hai bên đã không thực hiện đúng tinh thần thế chấp ban đầu, đồng thời còn trái quy định pháp luật.

Có thể khẳng định rằng, trong trường hợp các bên chỉ có nghĩa vụ và phát sinh nghĩa vụ thay thế trong quá trình giao dịch dân sự thuần túy, nếu có các yếu tố hình sự không đúng tinh thần các bên, hoặc vi phạm các điều cấm khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, thì các hợp đồng đều bị coi là vô hiệu và không phát sinh nghĩa vụ thay thế. Như vậy, hợp đồng thế chấp cũng vô hiệu theo hợp đồng tín dụng.

Việc tòa án tuyên bố hợp đồng tín dụng vô hiệu, nhưng lại bỏ lửng việc giải quyết hợp đồng thế chấp sẽ gây ra nhiều bất lợi cho các đương sự liên quan. Theo ông, trong trường hợp này, các đương sự phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, thì tùy thuộc vào tình trạng thực tế của bên thế chấp mà có các hành động theo luật, cụ thể:

Nếu bên thế chấp có mặt tại tòa và yêu cầu tòa án giải quyết, thì tòa án buộc phải ra phán xét về quan hệ thế chấp này (tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp).

Nếu các bên có mặt hoặc vắng mặt, song không đề nghị tòa án giải quyết, thì tòa án có thể giành quyền yêu cầu hoặc khởi kiện ở vụ án dân sự khác.

Bên thế chấp có quyền yêu cầu tòa án giải quyết và đề nghị tòa ra phán quyết hợp đồng thế chấp là vô hiệu, cùng với đó là viện dẫn các điều khoản trong hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan để minh chứng hợp đồng thế chấp dân sự vô hiệu.

Tại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên vô hiệu hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và Công ty TNHH Viễn Đông do bị cáo Đào Hữu Tình làm Giám đốc. Trên thực tế, cả hai bên thực hiện giao dịch đảm bảo và ngân hàng đã giải ngân 38 tỷ đồng.

Tòa tuyên hợp đồng tín dụng vô hiệu, nhưng lại bỏ ngỏ việc giải quyết tài sản đảm bảo, khiến các bên lúng túng. Ngân hàng không kháng cáo, nhưng sau đó đề nghị cần giải quyết triệt để vấn đề này. Mới đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu. 

Tin bài liên quan