Có một thực tế là những vụ án giám đốc chi nhánh ngân hàng vượt quyền hội sở cấp chứng thư bảo lãnh có giá trị gấp nhiều lần hạn mức được giao vẫn diễn ra, mặc dù đã có nhiều bài học nhãn tiền. Thông thường, thư bảo lãnh “khống” hay “bảo lãnh ma” được các đối tượng lợi dụng đưa vào giao dịch nhằm gian dối, lừa đảo đối tác hoặc ngân hàng.
Điển hình, trong vụ án Lê Quý Hiển (giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại) ký phát hành 9 chứng thư bảo lãnh khống¸ lừa đảo 5 doanh nghiệp, khi bóc tách từng hợp đồng, dễ nhận thấy xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “núp bóng” hợp đồng kinh tế để chạy doanh số. Bản chất một số hợp đồng là xoay vòng, mua đắt bán rẻ, không có hàng hóa nhưng tiền là có thật.
Cụ thể, xuất phát từ việc doanh nghiệp không được phép cho vay tín dụng, các đối tượng đã nghĩ cách hợp thức hợp đồng, chạy doanh số để lách luật. Theo đó, đầu năm 2012, Nguyễn Tuấn Anh - giám đốc Công ty Á Âu chủ động gặp Lê Quý Hiển trao đổi rằng, có một số doanh nghiệp dư vốn muốn cho vay dưới hình thức ký kết hợp đồng mua bán hàng trả chậm từ 3 - 4 tháng với lãi suất 4%/tháng. Lê Quý Hiển đã phát hành bảo lãnh để Tuấn Anh hợp thức hóa hồ sơ ký hợp đồng.
Có “bảo bối” trong tay, Tuấn Anh nhờ Ngô Công Hà (Giám đốc Công ty Tân Việt) môi giới tìm đối tác để giao dịch hàng hóa. Trong đó, Công ty cổ phần Vicem thương mại Xi măng đồng ý bán lô thép cuộn, thép cây khối lượng 468 tấn cho Công ty Á Âu với giá 8,1 tỷ đồng, thời hạn thanh toán trong vòng 30 ngày.
Các giao dịch được thực hiện như sau: Công ty Tân Việt bán 463,1 tấn thép, giá trị 7,8 tỷ đồng cho Vicem; Vicem bán số thép trên cho Công ty Á Âu với giá 8 tỷ đồng. Công ty Á Âu lại bán lại cho Công ty Tân Việt với giá 8 tỷ đồng. Sau đó Ngô Công Hà rút tiền đưa lại cho Nguyễn Tuấn Anh.
Trên thực tế, kho hàng của Tân Việt không tồn kho số lượng thép trên. Cán bộ, nhân viên của Vicem thực hiện hợp đồng thừa nhận không trực tiếp giao nhận hàng hóa, chỉ ký tên, đóng dấu hoàn thiện các hợp đồng, chứng từ, không xác thực tính pháp lý của thư bảo lãnh… Trong quá trình điều tra, một cán bộ của Vicem còn khai nhận cầm 350 triệu đồng tiền “bôi trơn” thực hiện hợp đồng nhưng sau đó thay đổi lời khai.
Với một số hợp đồng khác, hàng hóa là có thật nhưng cũng được các đối tượng mua bán “xoay vòng” nhằm chiếm hưởng tiền của đối tác. Đối với các doanh nghiệp thiệt hại, có trường hợp chỉ khi thấy đối tác không trả được tiền thanh toán như đúng hẹn và tìm đến ngân hàng yêu cầu thanh toán bảo lãnh mới phát hiện thư bảo lãnh “khống”, không tồn tại trong hệ thống, không có giá trị.
Còn rất nhiều thủ đoạn khác mà tội phạm sử dụng qua mặt ngân hàng, có thể kể đến như thành lập nhiều pháp nhân, ký hợp đồng mua bán với nhau để chuyển tiền qua lại. Mục đích chính nhằm luân chuyển doanh số ảo để được ngân hàng phê duyệt xếp hạng tốt, giảm giá trị tài sản đảm bảo khi cấp bảo lãnh thanh toán.
Có thể nói, các kẽ hở này dẫn đến hậu quả pháp lý là ngân hàng khó thoái thác được tránh nhiệm, nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh. Mặc dù, khi xem xét trách nhiệm bồi thường, cơ quan tố tụng còn phải xác định tính có hiệu lực của chứng thư bảo lãnh, nhưng Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao.
Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu không kiểm soát chặt hoạt động phát hành chứng thư bảo lãnh, ngân hàng sẽ là bên chịu thiệt hại.