Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Cho ý kiến Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào phiên họp đầu tuần, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần rà soát kỹ để quy định về hợp đồng bảo hiểm phải cân bằng lợi ích cả bên bán và bên mua.
Chưa công bằng
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ là một trong 7 dự án luật được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 10/2021.
Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - với việc sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (Dự thảo) có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn so với luật hiện hành.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và các ý kiến tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật, song còn khá nhiều băn khoăn về các quy định cụ thể liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm...
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những nội dung được tập trung sửa đổi lần này là nhóm chính sách về hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm.
Theo đó, các nguyên tắc hợp đồng bảo hiểm, quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm, về các loại hợp đồng bảo hiểm; quy định đặc thù đối với bảo hiểm con người, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tài sản; quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm đều được cụ thể hóa tại quy định về hợp đồng bảo hiểm.
Nhấn mạnh hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính Dự thảo, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
Chẳng hạn, về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, Dự thảo quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm…”. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự lại quy định: khi hợp đồng bị hủy bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
“Như vậy, việc quy định như Dự thảo là chưa phù hợp, chưa công bằng với bên mua bảo hiểm và chưa thống nhất với quy định về hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng tại Bộ luật Dân sự”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Với quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, Dự thảo quy định: “Tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại” là một trong các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Quy định như vậy, theo cơ quan thẩm tra, là chưa hợp lý vì tài sản hình thành trong tương lai (nhà ở) cũng có thể là một loại tài sản được bảo hiểm, mặc dù tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở tương lai chưa tồn tại (về mặt vật lý). “Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh lại quy định này bảo đảm rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu”, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Cần hợp đồng mẫu
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quy định về hợp đồng bảo hiểm trong Dự thảo luật sửa đổi cần được rà soát lại để “khớp” với hợp đồng dân sự (trong Bộ luật Dân sự), đảm bảo chặt chẽ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.
Ông Vương Đình Huệ nhận xét rằng, có cảm giác quy định về hợp đồng bảo hiểm tại Dự thảo còn nặng về bảo vệ quyền lợi người bán hơn là người mua bảo hiểm.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo phải rà soát, tính toán để cân bằng lợi ích giữa người cung cấp và sử dụng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, công khai. Phải xem lại tính tương thích với hợp đồng dân sự, hài hòa lợi ích các bên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Dự thảo có thể đưa ra những yếu tố đặc thù của hợp đồng bảo hiểm, nhưng nguyên tắc hợp đồng chung thì không được trái với Bộ luật Dân sự. Chẳng hạn, Dự thảo đưa ra quy định về hiệu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu, chấm dứt hợp đồng, nhưng chưa nêu hiệu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng. Điều này dẫn tới việc áp dụng luật không thống nhất với nguyên tắc chung về hợp đồng tại Bộ luật Dân sự.
Cũng quan tâm đến hợp đồng bảo hiểm, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách cho rằng, quy định về hợp đồng bảo hiểm phải bảo đảm chặt chẽ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm. Ông Cường nêu thực tế tại Đồng Nai, nơi trước đây ông từng công tác, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp phải ra tòa án, nhưng có những vụ kéo dài mấy năm không xử được. Lý do là, nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm bị từ chối chi trả bảo hiểm do một số câu chữ mà khi ký hợp đồng, họ không nhận thức hết được. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, trong lần sửa đổi này, cần quy định hợp đồng mẫu để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.
Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Dự thảo phải đưa ra quy định bắt buộc những loại tài liệu cần có trong hợp đồng bảo hiểm, như giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm...
Bà Thanh còn đề nghị bổ sung quy định khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp chậm thanh toán phí bảo hiểm.
Thực tế, người dân khi nghe các đại lý bán bảo hiểm giới thiệu về sản phẩm rất hay, nhất là bảo hiểm nhân thọ, nhưng vì điều kiện tài chính, đôi khi, họ không thể thực hiện đóng phí đúng thời hạn hợp đồng. Nhưng sau đó, khi người mua có điều kiện đóng lại thì hợp đồng không được tiếp tục và họ mất các quyền lợi cho khoản tiền đã đóng trước đó. Vì thế, theo bà Thanh, việc bổ sung quy định khôi phục hiệu lực hợp đồng khi người tham gia chậm thanh toán sẽ đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm.
Giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết, cơ quan này sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
“Các quy định về hợp đồng sẽ chặt chẽ, không gây khó khăn, thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Cần tư duy kiến tạo
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần có tư duy kiến tạo phát triển khi xây dựng luật. Thị trường bảo hiểm của Việt Nam phát triển nhanh, nhưng còn khá thấp so với mặt bằng thế giới. Vì vậy, khi sửa luật này, cần quan tâm đến việc tạo ra cú hích cho thị trường phát triển hơn, chứ không phải chỉ sửa một vài chỗ vướng mắc.
“Tư duy kiến tạo phát triển là phải xem xét thị trường kinh doanh bảo hiểm trong mối tương quan với thị trường vốn, thị trường chứng khoán và các thị trường khác”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý về sự cần thiết phải chuyển từ tư duy pháp luật phục vụ quản lý sang pháp luật kiến tạo phát triển. “Mục đích sửa luật là xây dựng thị trường bảo hiểm Việt Nam thành thị trường phát triển tầm cỡ trong khu vực. Nếu kiến tạo phát triển, thì phải tham khảo kinh nghiệm thế giới, xem thế giới làm thế nào để mình làm hấp dẫn hơn”, ông Định nêu quan điểm.