Nếu bạn nghĩ điều này đồng nghĩa với việc giấc mơ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc này tại Hồng Kông đã chấm dứt, bạn tốt nhất nên nghĩa lại: Mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu. Giá nhà tăng trưởng mạnh và mức sinh lợi đáng kinh ngạc tại khu vực này quá hấp dẫn để các nhà phát triển bất động sản có thể chối từ.
HNA Group đã từng say sưa tham gia mua sắm tài sản trên toàn cầu, với khoản hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng nhà nước. Công ty đã từng rất bận rộn tại Hồng Kông, khi dành hàng tỷ USD mua bất động sản và thiết lập kỷ lục khi mua 4 mảnh đất vàng trong thời gian từ tháng 11/2016 tới tháng 3/2017. Hiện tại, HNA bị bủa vây bởi các cuộc điều tra từ chính quyền, cùng với các “gã khổng lồ” khác của Đại lục như Dalian Wanda Group Co, Fosun International Ltd và Anbang Insurance Group Co.
Trong khi HNA không còn thắng thêm cuộc đấu giá bất động sản nào tại Hồng Kông kể từ tháng 6/2017, Longfor Properties Co, China Overseas Land & Investment Ltd và Shenzhen Investment Ltd đã nhanh chóng chen chân, có những mối quan hệ hợp tác thành công với các công ty bất động sản địa phương.
Mọi thương vụ mua bán bất động sản Hồng Kông kể từ đầu năm tới nay đều có liên quan tới các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Từ tháng 1 tới tháng 6/2017, các công ty này chi 38,6 tỷ HKD (4,9 tỷ USD) mua đất của chính quyền Hồng Kông, tương đương 96% các giao dịch tính theo giá trị, so với con số chỉ 39% trong cả năm 2016, theo chuyên gia Patrick Wong của Bloomberg Intelligence.
Diễn biến này vẫn chưa dừng lại. Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, vốn nổi tiếng vì việc sử dụng đòn bẩy ở mức cao, đang nắm trong tay lượng tiền mặt khổng lồ, nhờ thị trường bất động sản Đại lục tăng trưởng mạnh.
Các công ty bất động sản Trung Quốc không có nhiều nơi để “tiêu pha” lượng tiền mặt của mình. Nguyên nhân là vì các chính quyền địa phương, vốn từng dựa vào việc bán đất đai để kiếm tiền, đã bắt đầu chuyển sang thị trường trái phiếu kể từ năm 2015. Thị trường bất động sản Đại lục tăng trưởng quá nóng khiến giới chức nước này buộc phải có động thái mạnh tay siết lại kỷ cương. Trong bối cảnh này, việc tham gia vào các thương vụ tại Hồng Kông là lựa chọn tối ưu, bởi đây là thị trường vẫn có điều kiện giao dịch dễ thở hơn so với các thị trường nước ngoài, do chính sách hạn chế dòng tiền chảy ra ngoài của chính quyền Đại lục.
Chưa kể, một khi đã sở hữu đất đai trong tay, các hãng bất động sản có thể thu về lợi nhuận một cách hiệu quả hơn. Tại Đại lục, để sở hữu đất đai, các công ty phát triển bất động sản phải trả toàn bộ tiền mặt. Trong khi đó, tại Hồng Kông, họ có thể đi vay tới 50% giá trị bất động sản. Thêm vào đó, biên lợi nhuận ròng của các nhà phát triển bất động sản tại Đại lục là khoảng 8%, trong khi tại Hồng Kông là 18%, Nicole Wong, chiến lược gia tại CLSA cho biết.
Hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc tại Hồng Kông vẫn đang có mức sinh lợi tích cực. Tuy nhiên, đà tăng này không được đảm bảo. Praveen Choudhary, chiến lược gia tại Morgan Stanley nhận định, sự kiểm soát dòng vốn ra vào của chính quyền Đại lục, lãi suất được tăng lên và việc gia tăng nguồn cung có thể tác động tới giá cả tại thị trường bất động sản Hồng Kông. Nhiều khả năng giá bất động sản tại đây đã đạt đỉnh và dự đoán thị trường sẽ có diễn biến đi ngang trong năm 2018.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com