Quyết định được Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) của Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đưa ra ngay sau khi Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm sau phiên họp chính sách ngày hôm qua.
Cũng giống Fed, đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Hồng Kông kể từ năm 2018. Hồng Kông neo tỷ giá vào USD, nên việc điều chỉnh lãi suất theo Fed là điều đương nhiên.
Ông Eddie Yue, Giám đốc điều hành của HKMA, cho biết, việc Fed tăng lãi suất đã nằm trong kỳ vọng của thị trường và khẳng định, hệ thống tài chính và thị trường tiền tệ của Hồng Kông vẫn tiếp tục hoạt động một cách có trật tự, trơn tru.
HKMA cũng cho rằng, gần đây, thị trường tài chính toàn cầu có rất nhiều biến động, HKMA sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tình hình thị trường, nhằm duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính và tiền tệ của Hồng Kông.
Bên cạnh đó, HKMA cũng cho rằng, là một trung tâm tài chính quốc tế, việc dòng tiền vào và ra ở Hồng Kông là điều bình thường. Việc tăng lãi suất cơ bản của HKMA không nhất thiết sẽ khiến tỷ giá Đô la Hồng Kông (HKD) biến động ngay lập tức, mà còn tùy thuộc vào tình hình cung, cầu HKD tại thị trường nội địa. Tương tự, với ngân hàng thương mại, việc tăng lãi suất tùy thuộc vào cơ cấu chi phí của từng ngân hàng.
Theo tổng hợp của cơ quan này, trong 2 tháng đầu năm, chi phí huy động vốn của các ngân hàng vẫn ổn định.
Trong khi đó, theo nhận định của Bloomberg, các ngân hàng lớn như HSBC Holdings Plc, Standard Chartered Plc và Hang Seng Bank Ltd. có xu hướng sẽ điều hành lãi suất theo động thái của HKMA.
Việc tăng lãi suất diễn ra vào thời điểm nền kinh tế Hồng Kông đang bị kìm hãm bởi đợt bùng phát virus tồi tệ nhất từ trước đến nay. Các chỉ số kinh tế như doanh số bán lẻ và chỉ số quản lý mua hàng đã sụt giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và việc mở cửa trở lại với Trung Quốc đại lục bị trì hoãn.
Các nhà kinh tế đã dần dần hạ thấp dự báo tăng trưởng, bất chấp Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông - ông Paul Chan - nhiều lần trấn an các nhà đầu tư rằng, Hồng Kông có vị thế tốt để quản lý việc tăng lãi suất.
Hiện Hồng Kông đang phải đối phó với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ khi dịch xảy ra, chủ yếu là do các biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Hiện mỗi ngày Hồng Kông ghi nhận khoảng 30.000 ca mắc mới với gần 300 ca tử vong.
Tuy vậy, trái ngược với Mỹ đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục, thì Hồng Kông lại đang đứng trước rủi ro thu hẹp kinh tế do đợt bùng phát thứ năm của đợt bùng phát Covid-19.
Trước mắt, có thể các ngân hàng thương mại của Hồng Kông không tăng lãi suất cho vay (hiện đang phổ biến ở mức 5-5,25%/năm). Tuy vậy, lãi suất cơ bản tăng liên tục năm nay sẽ đẩy lãi suất liên ngân hàng của Hồng Kông đi lên.
Theo dự kiến, năm nay, Fed sẽ tăng lãi suất 7 lần và tăng thêm nhiều lần nữa vào năm 2023. Do neo tỷ giá vào USD, Hồng Kông không có lựa chọn nào khác ngoài làm theo, điều này sẽ gây ra nhiều gánh nặng cho người đi vay.