“Chúng tôi thường không phải là một tổ chức để ý tới những bình luận của các đối thủ và có động thái “ăn miếng trả miếng”, nhưng tôi nghĩ, hôm nay tôi phải phá lệ một lần”, Ashley Alder, Giám đốc cấp cao tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tương lai Hồng Kông (SFC) cho biết tại một hội thảo cuối tuần trước.
Phát ngôn trên của ông Alder là để đáp trả những nhận xét trước đó từ một lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore trong chuyến thăm Hồng Kông. Cụ thể, báo chí đưa tin, vị lãnh đạo này nhận xét rằng, chính quyền Trung Quốc có “một số ảnh hưởng” tới giới chức tại Hồng Kông.
Ông Alder cho biết, Hồng Kông có “cánh tay nối dài” trong mối quan hệ với các nhà chính sách Bắc Kinh và mọi ý nghĩ cho rằng SFC “chịu những tác động là hoàn toàn sai”.
“Tôi không nghĩ đây là hành động chín chắn”, ông Alder bình luận về phát biểu của vị lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
Diễn biến mới nhất này đã nhấn mạnh tới những căng thẳng gia tăng trong cuộc ganh đua thường niên giữa 2 thị trường chứng khoán nói riêng và 2 trung tâm tài chính - tiền tệ tại châu Á nói chung. Hiện tại, cả 2 Sở giao dịch đều thể hiện tham vọng thu hút doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là công ty công nghệ đang phát triển nhanh, bằng cách thay đổi các quy định.
Trong vài năm qua, Hồng Kông luôn ở vị thế trên so với Singapore trong việc thu hút các thương vụ IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), trong khi Singapore duy trì được sức cạnh tranh ở nhiều khía cạnh khác.
Đối với thu hút IPO, Hồng Kông thể hiện thế mạnh so với Singapore, đồng thời cạnh tranh quyết liệt với New York trong những năm gần đây nhằm giành “ngôi vương” thu hút IPO toàn cầu. Đây là nỗ lực lớn của thành phố này sau khi để lỡ mất thương vụ IPO của Alibaba Group Holdings Ltd.
Hiện tại, cả Hồng Kông và Singapore đều dự kiến sẽ sớm chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu phân tầng (dual - class) nhằm thu hút thêm các doanh nghiệp trẻ. Đây là loại cổ phiếu cho phép những người sáng lập, lãnh đạo cấp cao của công ty có được quyền biểu quyết lớn hơn so với các cổ đông thông thường.
Xét về giá trị thị trường, được trợ lực từ sự hiện diện của các công ty Trung Quốc khổng lồ bao gồm Tencent Holdings Ltd và China Construction Bank Corp, Hồng Kông đang nắm giữ vị trí thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới. Trong khi đó, kích cỡ của thị trường Singapore khá khiêm tốn, dù đang là thị trường chứng khoán lớn nhất Đông Nam Á.
Xét về giá trị cổ phiếu của 2 sàn, cổ phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (Hồng Kông Exchanges & Clearing Ltd - HKEx) đã tăng giá 120% kể từ đầu năm 2014 cho tới nay. Trong cùng giai đoạn này, giá cổ phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) ít có sự thay đổi.
Mặc dù lép vế ở những khía cạnh này, Singapore lại sở hữu những thế mạnh mà Hồng Kông phải dè chừng. Hiện tại, Singapore đang là trung tâm của thị trường phái sinh châu Á, với các sản phẩm có liên kết với cổ phiếu tại Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi đó, các sản phẩm phái sinh của Hồng Kông chủ yếu gắn với cổ phiếu nội địa và Trung Quốc Đại lục.
Bên cạnh đó, thế mạnh của Singapore chính là trung tâm giao dịch ngoại hối, hiện đang cạnh tranh quyết liệt với Tokyo tại châu Á, đồng thời có kế hoạch ganh đua với London và New York.