Sacombank đang đàm phán bán 20% cổ phần cho đối tác ngoại
Các cuộc mua - bán cổ phần giữa ngân hàng trong nước và cổ đông chiến lược nước ngoài được ví như những cuộc hôn nhân, sau một thời gian dài hợp tác, nếu hai bên không giải quyết được các bất đồng phát sinh thì cuộc hôn nhân đó sẽ nhanh chóng đỗ vỡ.
Mới đây, thị trường chứng kiến cuộc chia tay giữa đối tác chiến lược nước ngoài Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) và VPBank, khiến không ít người đặt dấu chấm hỏi về sự tan vỡ của cuộc hôn nhân kéo dài hơn 6 năm giữa nhà băng này với ngân hàng lâu đời nhất và lớn thứ ba Singapore.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một lãnh đạo ngành ngân hàng, điều đó không có gì quá bất ngờ, nếu cả hai bên không còn tìm thấy được tiếng nói chung hoặc cổ đông nhận thấy khoản đầu tư đã thu về được lợi nhuận tốt…
Trường hợp thoái vốn của OCBC tại VPBank dường như đã có lộ trình. OCBC đã đồng hành cùng VPBank trong một giai đoạn dài hơn 6 năm, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ gần 15%. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, OCBC rút toàn bộ đại diện của mình ở HĐQT và Ban điều hành VPBank. Vừa qua, OCBC chính thức thoái vốn khỏi VPBank, bên nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
HĐQT VPBank cho biết, Ngân hàng ủng hộ việc cổ đông OCBC chuyển nhượng cổ phần, vì việc này sẽ giải phóng giới hạn góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank và Ngân hàng có cơ hội tìm kiếm các đối tác chiến lược mới phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển của VPBank trong thời gian tới.
Trước đó, ANZ đã thoái vốn khỏi Sacombank vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Tuy nhiên, tại thời điểm ANZ thoái vốn khỏi Sacombank cũng là thời kỳ Sacombank bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông lớn và phần vốn của ANZ nắm giữ tại Sacombank đã được chuyển nhượng lại cho Eximbank.
Nguyên nhân ANZ thoái lui khỏi Sacombank được cho là không tìm được tiếng nói chung trong HĐQT trước khi nhà băng này rơi vào tay của nhóm cổ đông lớn, nhưng bên cạnh đó cũng không loại trừ lý do ANZ đã đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Thực tế cho thấy, không phải mối lương duyên nào giữa ngân hàng và cổ đông nước ngoài cũng bền chặt, mà sau một giai đoạn hợp tác, nếu vẫn thấy bất đồng, các cổ đông ngoại sẽ tự ý rút lui.
Hiện đã có nhiều ngân hàng của Việt Nam hợp tác với đối tác chiến lược nước ngoài gồm: Vietcombank, VietinBank, Eximbank, ACB, OCB, Southern Bank, SeABank…
Theo đại diện một ngân hàng nước ngoài đang đầu tư vào một nhà băng Việt Nam, có thể do những khác biệt về môi trường, do tình hình kinh tế hay các vấn đề nội tại của ngân hàng, mà tại Việt Nam cho đến thời điểm này, hầu như các đối tác chiến lược nước ngoài chưa thể hiện hết được vai trò và đạt được kỳ vọng mong muốn so với thời điểm ban đầu họ bước vào mối lương duyên ấy.
“Thực tế, với tỷ lệ sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ (dành cho một nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng nội), tiếng nói của cổ đông nước ngoài ít có trọng lượng trong ngân hàng. Cần thiết nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài”, vị đại diện trên nói.
Theo ông Tay Hang Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank, bản chất của việc hợp tác là đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, kể từ khi trở thành cổ đông chiến lược, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ tâm huyết để cùng ngân hàng phát triển.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình hợp tác, không phải lúc nào hai bên cũng tìm được tiếng nói chung, mà nhiều lúc khó tránh được sự bất đồng.
“Một khi đã có sự bất đồng thì cần giải quyết sớm, nhưng quan trọng nhất là sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm địa phương để tạo được nền tảng trong tương lai. Để có được tiếng nói chung, cần có sự tin tưởng và đồng thuận trong chiến lược kinh doanh cũng như phương hướng mà hai bên cùng đưa ra”, ông Tay Hang Chong nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo VPBank cho rằng, các nhà đầu tư thường có lý do khi bỏ vốn vào bất cứ đâu và với bất cứ lý do gì thì việc thoái vốn có thể xảy ra khi họ đã đạt được mục tiêu hoặc xác định không thể đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, với VPBank, sau khi chia tay đối tác ngoại, cơ hội bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài mới trong tương lai sẽ gia tăng vốn chủ sở hữu và các lợi ích khác cho VPBank cũng như các cổ đông của Ngân hàng.
Sacombank cũng đang trong giai đoạn đàm phán bán 20% cổ phần cho đối tác ngoại, hay HDBank dự kiến bán tối đa 30% cổ phần cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Thế nhưng, tình trạng “ly hôn” giữa đối tác chiến lược nước ngoài và ngân hàng trong nước dự kiến còn diễn ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song theo nhận định của giới kinh doanh tiền tệ, nguyên nhân lớn nhất vẫn là việc không còn tìm được tiếng nói chung hoặc đối tác đã đạt được mục tiêu.