Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn phát biểu tại cuộc toạ đàm.
Hơn 1 năm qua, các doanh nghiệp đã cố gắng đu xà, tưởng là đến giai đoạn này là xong, nhưng mà dịch lại bùng phát, nếu thêm vài đợt nữa thì mỏi lắm và mỏi là buông tay thôi, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn bình luận tại buổi toạ đàm do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, sáng 9/6.
Đây là hoạt động phục vụ việc thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế sẽ trình Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ nhất vào cuối tháng 7 tới đây.
Bức tranh không màu
Một trong những vấn đề nằm trong nỗi lo của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội là cần giải pháp hỗ trợ thế nào để doanh nghiệp có thể sống sót qua đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Chính phủ, 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Rất quan tâm đến vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cho biết, theo dõi doanh nghiệp 20 năm qua ông thấy có rất nhiều chỗ hiện tại bức tranh không có màu, chưa nói tích cực hay tiêu cực, nhưng có rất nhiều câu hỏi không trả lời được.
Ví dụ, tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp Việt Nam là bao nhiêu, ra đời bao lâu thì phá sản, số này rơi vào doanh nghiệp trẻ hay là doanh nghiệp đã tồn tại lâu hơn.
Với quan sát cá nhân, ông Cương nhận định, nếu từ năm 1991 đến bây giờ, tức là khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty đến nay, thì tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập khoảng 1,6 triệu, hiện tại đang hoạt động chỉ trên 800.000 doanh nghiệp.
Nhấn mạnh rằng tỷ lệ này nghe qua không cao, nhưng ông Cương khẳng định tỷ lệ sống sót của doanh nghiệp trên 50% là rất cao so với OECD (thường sau 2-3 năm phá sản trên 30%; sau 4-5 năm “bật bãi” khoảng một nửa).
Tuy thế, theo lãnh đạo CIEM, chưa đánh giá sâu hơn được, các khối doanh nghiệp vận động ra sao. Trong số này có bao nhiêu doanh nghiệp siêu nhỏ lớn lên thành nhỏ, nhỏ thành vừa… không đánh giá được. Cũng không nhìn được sự vận động thuận lợi hay khó khăn của từng ngành.
Do đó, cơ sở đánh giá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và trong giai đoạn dịch Covid-19 nói riêng là không đánh giá được, cực kỳ khó, ông Cương nhấn mạnh.
Riêng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị đại dịch Covid-19, ông Cương cho rằng, chưa hợp lý, bởi mới hỗ trợ người lao động, nhưng lại không có chính sách nào hỗ trợ chủ lao động, trong khi đây mới là lực lượng tạo ra giá trị gia tăng, công ăn việc làm cho người lao động và là lực lượng chủ yếu quyết định thu ngân sách.
Trên quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu thì chính sách đã không tác động đến yếu tố này, ông Cương nhận xét.
Cần giải pháp mạnh hơn
Cũng bày tỏ quan ngại những con số thống kê về doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nêu con số 5 tháng vừa rồi, doanh nghiệp ngừng hoạt động, đang chờ làm thủ tục giải thể tăng 20,7%, rồi doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%.
Số lượng đó tăng càng ngày càng cao, tức là 1 năm qua, các doanh nghiệp đã cố gắng đu xà, tưởng là đến giai đoạn này là xong, nhưng mà dịch lại bùng phát và nếu thêm vài đợt nữa thì mỏi lắm và mỏi là buông tay thôi.
"Con số này cho thấy những ông yếu đã buông hết rồi, giờ còn những người khỏe hơn vẫn cố, nhưng nếu chỉ 3 tháng nữa hoặc một vài đợt dịch nữa mà không kiểm soát tốt thì buông hết", ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, đây là vấn đề cần phải bàn tính để tính xem gói hỗ trợ tới đây như thế nào.
Tại sao Mỹ giờ có vắc xin rồi, tình hình tốt lên rồi, mà còn tung ra những gói kích thích gấp 3 gói cũ, điều đó cho thấy tác động của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp vô cùng lớn, ông Tuấn nói.
"Tôi cho rằng, giai đoạn tới, số doanh nghiệp buông còn rất nhiều và như thế số nợ xấu trên bảng của ngân hàng thì đẹp, nhưng thực tế còn xấu nhiều lắm vì họ cũng còn rất nhiều cách để báo cáo. Cần ghi nhận đúng thực lực của doanh nghiệp", ông Tuấn nêu quan điểm.
Nhấn lại là sức khoẻ của doanh nghiệp trên thực tế nghiêm trọng hơn những số liệu tại báo cáo, ông Tuấn cho rằng, cần tìm hiểu sâu hơn và có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc khoanh nợ.
Khoanh lại để người ta quên chỗ đó đi đã, để người ta tồn tại, phát triển được đã, sau đó sẽ quay lại tính đến khoản được khoanh, cần giải pháp mạnh hơn như hồi sức cấp cứu vậy, ông Tuấn đề nghị.
Nhìn lại chính sách hỗ trợ năm 2020, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nói, chính sách hỗ trợ người lao động hay vay để trả lương cho người lao động thất nghiệp thì đến tháng 10/2020 không có doanh nghiệp nào tiếp cận được.
"Rất nhiều doanh nghiệp trả lời là muốn hỏi những chính sách hỗ trợ thì lên tivi. Các hiệp hội du lịch đã trả lời, kể cả những thị trường du lịch lớn như TP.HCM thì để các hướng dẫn viên du lịch tiếp cận được chính sách này thì cũng hầu như không có", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Nhưng, theo ông Tuấn, một số chính sách đi vào cuộc sống ngay, như giảm lệ phí trước bạ 50%. Ở đây có sự ngược đời là chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thì đi vào cuộc sống chậm, nhưng chính sách hỗ trợ người có tiền để mua ô tô thì lại rất nhanh. Tất nhiên, việc này cũng có yếu tố rất tích cực là thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô rất tiềm năng, ông Tuấn bình luận.