Hơn 900 nghìn tỷ đồng tồn quỹ của Kho bạc Nhà nước đang được sử dụng ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cho hay, hiện có khoảng 900 nghìn tỷ đồng tồn quỹ đang được đơn vị này cho Ngân hàng Nhà nước và nhóm ngân hàng thương mại "Big4" vay, đồng thời sẵn sàng cho ngân sách trung ương vay khi cần.

Hé lộ nhóm ngân hàng đang giữ tiền gửi của ngân quỹ quốc gia

Tại cuộc họp báo về "Kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống kho bạc nhà nước" do Kho bạc Nhà nước tổ chức chiều 27/12, báo chí nêu câu hỏi: "Trên diễn đàn Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài chính từng thông tin có gần 900 nghìn tỷ đồng tồn quỹ đang được gửi ngân hàng. Đề nghị lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cho biết số tiền này đang được gửi ở ngân hàng nào và lãi phát sinh ra sao?".

Trả lời câu hỏi trên, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước cho biết: “Số tiền 900 nghìn tỷ đồng đó là tiền tồn quỹ của ngân sách trung ương, tồn quỹ ngân sách của 63 tỉnh, 700 huyện và hơn 10.000 xã cùng với hơn 100 nghìn số dư tài khoản của các tổ chức, đơn vị kinh tế khác; trong đó, tồn quỹ ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng lớn nhất.

"Hiện nay có khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng đang được gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính với lãi suất 0,8%/năm.

Gần 270 nghìn tỷ đồng còn lại gửi tại 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV (nhóm "Big4") kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất trung bình 6%/năm", ông Hoàng nói.

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước. (Ảnh: Hương Nguyễn)

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước. (Ảnh: Hương Nguyễn)

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước - bà Trần Thị Huệ cho biết, ngoài số tiền nói trên, ngân quỹ đang được Kho bạc Nhà nước gửi tại một số ngân hàng an toàn và hoạt động hiệu quả, theo tinh thần của Nghị định 24.

Bà Huệ nói rằng, để gửi tiền ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước lên một danh sách những ngân hàng có đủ tiêu chí an toàn, hoạt động hiệu quả; sau đó trình lên Bộ Tài chính. Bộ Tài chính với công cụ của mình lại tiếp tục "lọc" danh sách để chọn ra những ngân hàng tốt nhất.

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước chia sẻ thêm, với đặc thù tiền ngân quỹ là có tính linh hoạt, luôn phải sẵn sàng cấp cho các địa phương, đơn vị khi cần nên Kho bạc Nhà nước chỉ sử dụng cho vay với một tỷ lệ nhất định và kỳ hạn ngắn.

"Ngoài ra, số tiền tồn quỹ còn được sử dụng để sẵn sàng cho ngân sách trung ương vay khi cần, với lãi suất chỉ 0,8%/năm, rõ ràng cạnh tranh hơn nhiều so với việc phải đi vay từ các nguồn khác", bà Huệ nói.

Bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước trả lời báo chí tại cuộc họp báo (Ảnh: M.Minh)

Bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước trả lời báo chí tại cuộc họp báo (Ảnh: M.Minh)

Giải ngân đầu tư công đạt 67,9% kế hoạch vốn

Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 20/12/2022, luỹ kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là gần 403,2 nghìn tỷ đồng; bằng 67,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là hơn 593,7 nghìn tỷ đồng).

Con số này bằng 60,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là gần 661,5 nghìn tỷ đồng).

Sau khi nghe con số nói trên, báo chí hỏi: "Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp đã tồn tại nhiều năm, từ góc độ của Kho bạc Nhà nước, có thể nêu một số lý do và có cách nào hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hay không".

Trả lời, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước cho biết, trong năm 2022 Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để đốc thúc giải ngân đầu tư công.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 4 nghị quyết và 6 văn bản chỉ đạo khác, đồng thời thành lập 6 đoàn công tác đi làm việc tại các bộ ngành địa phương để tháo gỡ khó khăn liên quan đến đầu tư công. Bộ Tài chính cũng lập 6 đoàn công tác, tổ chức nhiều tọa đàm tại một số địa phương về công tác giải ngân đầu tư công.

Kết quả là, trải qua nhiều biến động về giá cả, dịch bệnh..., với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay giải ngân đầu tư công mặc dù đạt tỷ lệ thấp nhưng đã cơ bản đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra là đến 31/12/2022 đạt 76% kế hoạch đầu tư công năm 2022.

"Hy vọng hết tháng 1/2023, hết niên độ thanh toán của năm ngân sách 2022, thanh toán ngân sách đầu tư công có thể đạt khoảng 85 - 86% kế hoạch", ông Hà chia sẻ.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước, ông Hà cho biết, hiện đã áp dụng 100% dịch vụ công trực tuyến trong kiểm soát chi, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, minh bạch hồ sơ và đẩy nhanh thời gian xử lý.

Kho bạc Nhà nước cũng đã xây dựng đề án kết nối dữ liệu với hệ thống thông tin đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các đơn vị sử dụng ngân sách để kết nối dữ liệu nhanh chóng, thông suốt.

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: M.M)

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: M.M)

Hiện tại, thủ tục hành chính của Kho bạc Nhà nước đã cải cách rất rõ: Thời gian duyệt hồ sơ tạm ứng đã giảm từ 7 ngày xuống 3 ngày, hồ sơ thủ tục đơn giản... Tuy nhiên, một số trường hợp bị chậm ở khâu thanh toán do thanh toán không đúng quy định của hợp đồng.

Năm 2030: Phấn đấu đạt mô hình Kho bạc "ba không"

Tại buổi họp báo, một số ý kiến yêu cầu làm rõ lộ trình, kết quả thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước.

Trả lời, ông Lê Văn Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho hay, Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2025 được Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành theo quyết định 1953 ngày 19/4/2022, trong đó 7 nhóm nhiệm vụ với 21 nhiệm vụ chi tiết.

Đề án này hướng đến mục tiêu năm 2025 về cơ bản không còn hoạt động thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Hiện tại, đơn vị này đã triển khai 5 nhiệm vụ từ năm 2022 và duy trì 9 nhiệm vụ triển khai hàng năm.

Đơn cử, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với hàng loạt ngân hàng thương mại đẩy mạnh thu ngân sách không dùng tiền mặt. Trong năm 2022, Kho bạc Nhà nước đã triển khai mở tài khoản chuyên thu ngân sách nhà nước và ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, thanh toán song phương điện tử với 4 ngân hàng thương mại là Sacombank, ABBANK, Vietbank, Eximbank.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước đã mở tài khoản chuyên thu và kết nối thanh toán với 15 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, DongABank, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, OCB, MSB, TPBank, LienVietPostBank, HDBank.

Kho bạc Nhà nước phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách, tập trung nhanh nguồn thu vào ngân sách Nhà nước và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

"Qua đó việc thu ngân sách qua hệ thống kho bạc chỉ còn 0,16% là sử dụng tiền mặt năm 2022, giảm 0,17% so với 2021. Chi ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc chỉ còn 0,36% trong tổng chi, giảm 0,27% so 2021", ông Hà thông tin.

Với kết quả này, Lãnh đạo Vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước kỳ vọng đến năm 2030 sẽ có "Kho bạc số" và hoàn thiện mô hình Kho bạc “ba không”, tức là không giao dịch bằng tiền mặt, không có khách hàng đến giao dịch và không chứng từ giấy; từ đó hạn chế tham nhũng, tiêu cực từ hoạt động thu chi ngân sách bằng tiền mặt.

Hơn 900 nghìn khoản chi ngân sách bị "tuýt còi"

Tính đến hết ngày 20/12/2022, lũy kế thu Ngân sách Nhà nước đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, bằng 122,4% so với dự toán năm 2022 được giao, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi hơn 895 nghìn tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước, hệ thống KBNN đã phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 4.207 món, tương đương với 451 tỷ đồng.

Tin bài liên quan