Hơn 85 triệu người đã được chữa khỏi dịch bệnh Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Toàn thế giới đã ghi nhận 110.540.408 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.443.160 ca tử vong, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 85.428.741 người.
Học sinh tới lớp học sau khi trường học mở cửa trở lại tại New York , Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Học sinh tới lớp học sau khi trường học mở cửa trở lại tại New York , Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 18/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 110.540.408 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.443.160 ca tử vong, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 85.428.741 người.

Cho đến nay, Mỹ đã có 502.555 ca tử vong trong tổng số 28.454.533 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 156.038 ca tử vong trong số 10.950.201 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 242.178 ca tử vong trong số 9.979.276 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 188 người tử vong do COVID-19. Tiếp đến là Slovenia với 180 người và Anh 175 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 36 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 817.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 648.800 ca tử vong trong hơn 20,4 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 511.900 ca tử vong trong hơn 28,6 triệu ca nhiễm.

Châu Á ghi nhận hơn 249.900 ca tử vong trong hơn 15,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 101.500 ca tử vong, châu Phi có hơn 99.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 947 người.

Tại châu Á, Malaysia ngày 18/2 ghi nhận thêm 25 ca tử vong do mắc COVID-19. Đây là ngày có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này.

Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 2.712 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận gần 275.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.030 trường hợp không qua khỏi.

Trong khi đó, Indonesia cũng có thêm 9.039 ca mắc COVID-19 và 181 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 1.252.685 và 33.969. Hiện Indonesia là quốc gia có số người mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Iran sẽ đóng cửa biên giới với Iraq ở tỉnh Khuzestan (Tây Nam nước này) do nguy cơ lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tỉnh trưởng tỉnh Khuzestan, ông Qassem Soleimani Dashtaki cho biết: "Từ ngày 20/2, Iran sẽ đóng hai cửa khẩu Shalamcheh và Chazzabeh trong một tuần đối với các lữ khách nhập cảnh." Trong thời gian này, Iran sẽ tìm cách lập các cơ sở xét nghiệm nhanh và cách ly tạm thời tại hai cửa khẩu này.

Trong ngày 18/2, Iran ghi nhận thêm 8.066 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca ở nước này lên 1.550.142 người. Số ca tử vong hiện là 59.264, tăng 80 trường hợp trong 24 giờ qua.

Cũng do lo ngại sự lây lan của biến thể mới, Ấn Độ yêu cầu tất cả những người đến từ hoặc quá cảnh tại Anh, Nam Phi và Brazil đều phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 tự trả phí. Hiện Ấn Độ chưa có đường bay thẳng với Brazil và Nam Phi.

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN).
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN).

Đa số người tới Ấn Độ từ những nước này đều quá cảnh tại các sân bay Trung Đông. Các hành khách cũng phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được tiến hành trong thời gian gần nhất trước khi lên máy bay tới Ấn Độ, trừ một số trường hợp đặc biệt như gia đình có người qua đời.

Đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng gần 11 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 155.000 ca tử vong do COVID-19. Số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Á này đã giảm mạnh kể từ giữa tháng 9/2020, thời điểm đỉnh dịch tại Ấn Độ với gần 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tại châu Âu, Cộng hòa Séc thông báo số bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện trong tình trạng nguy kịch ở mức cao nhất từ trước đến nay với 1.227 ca, trong bối cảnh khả năng điều trị cho những trường hợp như vậy ở nước này đang bị thu hẹp.

Tính đến sáng 18/2, các khu chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện ở Cộng hòa Séc chỉ còn 14% chỗ trống, trong đó có 154 giường dành cho bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Jan Blatny cảnh báo các bệnh viện tại Séc có nguy cơ quá tải vì bệnh nhân COVID-19 trong vòng 2 hoặc 3 tuần nữa.

Cùng ngày, Nga thông báo có thêm 13.447 ca nhiễm mới, trong đó có 1.950 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.125.598 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 480 người không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 81.926 ca.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông bằng tàu điện ngầm tại Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN).
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông bằng tàu điện ngầm tại Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN).

Theo hãng tin Interfax của Nga, nước này dự định sẽ đăng lý lưu hành loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ ba là CoviVac vào ngày 20/2 tới.

Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận 1.329 ca tử vong do COVID-9 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 175.986 ca. Trong khi đó, tống số ca mắc bệnh tại nước này đã vượt ngưỡng 2 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 8.683 ca mắc mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Luis Cresencio Sandoval là quan chức mới nhất của Mexico bị mắc COVID-19. Hiện ông vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian cách ly và điều trị bệnh.

Trước đó, nhiều quan chức cấp cao trong nội các của Tống thống Lopez Obrador đã nhiễm COVID-19 như Bộ trưởng An ninh Rosa Icela Rodriguez và Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công Arturo Herrera. Ngoài ra, 18 trên tổng số 32 thống đốc bang của Mexico cũng đã mắc COVID-19.

Tại châu Phi, khoảng 50% dân số Nam Phi được cho là có thể đã mắc COVID-19 và số người tử vong vì căn bệnh này trên thực tế nhiều hơn hàng chục nghìn người so với con số được công bố chính thức là gần 1,5 triệu ca mắc COVID-19 và 48.500 ca tử vong. Đây là kết luận từ các nghiên cứu và đánh giá của các nhà thống kê được công bố ngày 18/2.

Theo Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi, là nước châu Phi chịu tác động nặng nề nhất của COVID-19, từ tháng 5/2020 đến nay Nam Phi đã ghi nhận số ca tử vong cao hơn 140.000 người so với bình thường. Trong khi đó, công ty bảo hiểm y tế tư nhân Discovery ước tính khoảng 90% các trường hợp tử vong có thể do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 của nước này trên thực tế vượt mức 120.000 ca.

Liên quan công tác tiêm chủng, Chính phủ Australia xác nhận chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của nước này sẽ bắt đầu vào ngày 22/2 tới, tại hơn 200 nhà dưỡng lão ở 190 điểm trên cả nước.

Ngoài ra, các nhân viên làm việc tại biên giới, khu cách ly và lực lượng y tế tuyến đầu sẽ là những người Australia đầu tiên được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Vắcxin của Pfizer/BioNTech sẽ là loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên được dùng tại Australia. Australia hiện đã đặt mua 20 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Giới chức y tế Australia nhấn mạnh chương trình tiêm phòng sẽ được hoàn tất nhanh chóng và an toàn theo đúng mục tiêu mà chính phủ đặt ra là tiêm phòng cho toàn dân vào tháng 10 tới.

Giới chức Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đặc khu hành chính này sẽ bắt đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân vào ngày 26/2 tới. Chính quyền Hong Kong nêu rõ các nhóm được ưu tiên tiêm phòng đầu tiên có thể đặt lịch tiêm từ ngày 23/2 tới theo hình thức trực tuyến.

Những người trong nhóm ưu tiên bao gồm nhân viên y tế, người lớn tuổi, nhân viên vệ sinh đường phố, người đưa thư, thành viên của lực lượng thực thi luật pháp, nhân viên ngành vận tải xuyên bên giới.

Chính quyền Hong Kong đã đặt mua được tổng cộng 22,58 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, đủ để tiêm phòng cho 7,5 triệu cư dân của đặc khu.

Tin bài liên quan