Thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có gần 50.000 người Việt Nam tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Số vắc-xin này sau khi được tiếp nhận sẽ được chuyển về bảo quản tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Covax facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia trên thế giới được tiếp cận công bằng với vắc-xin.
Trong cơ chế này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà sản xuất vắc-xin và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc-xin một cách công bằng và hiệu quả.
COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vắc-xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
Vắc-xin AstraZeneca là vắc-xin Covid-19 đầu tiên được phê duyệt lưu hành tại Việt Nam.
Lô vắc-xin về Nội Bài sáng nay là lô vắc-xin Astrazeneca thứ 2 về tới Việt Nam, sau lô đầu tiên do Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đặt mua từ AstraZeneca.
VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca trong năm 2021. Số vắc-xin này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều đã về Việt Nam hôm 24/2.
Liên quan đến vấn đề "hộ chiếu vắc xin", theo lãnh đạo Bộ Y tế, cơ quan này đang lên phương án nghiên cứu, trước hết là phương án cách ly phù hợp với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định. Bộ này cũng đang chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng "hộ chiếu vắc xin" trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, hiện nay “hộ chiếu vắc xin” đang là việc tranh luận của nhiều nước trên thế giới. Bộ Y tế đang làm việc với các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, báo cáo Chính phủ để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa mở cửa nền kinh tế bằng việc mở lại các đường bay quốc tế.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, đây vẫn là các phương án chúng ta phải bàn kỹ vì phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. "Lợi ích là việc mở cửa lại đường bay để phát triển kinh tế còn nguy cơ là việc vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cộng đồng. Đây là việc chúng ta còn cần phải nghiên cứu thêm", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nêu.
Cũng theo ông Trương Quốc Cường, hiện ngành Y tế đang triển khai tích cực việc nhập khẩu vắc xin, đến nay nhập 117.600 liều, tiêm cho gần 50.000 người; đồng thời tiếp tục nhập 1,37 triệu liều trong thời gian tới.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19, tại Chỉ thị số 05, ban hành ngày 30/3 về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia tiêm chủng để đảm bảo thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, theo dõi sau tiêm, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm bao gồm cả phản ứng phản vệ.
Thông tin tại Chỉ thị cho biết, trong thời gian tới, vắc-xin Covid-19 sẽ được triển khai tiêm trên quy mô rộng hơn, cho nhiều đối tượng tiêm hơn, việc đảm bảo an toàn cho người được tiêm là vô cùng cần thiết.
Thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có gần 50.000 người Việt Nam tiêm chủng vắc-xin Covid-19.