Đội ngũ đại lý bảo hiểm là lực lượng kinh doanh chủ yếu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, mang lại phần lớn doanh số cho ngành bảo hiểm. Với sự xuất hiện của nhiều kênh phân phối mới, ông dự báo gì về tương lai của các đại lý?
Ngành bảo hiểm nhân thọ không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng 2 kênh phân phối chính là đại lý và ngân hàng (bancassurance).
Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên bộ môn Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Trong đó, hoạt động phân phối của đại lý ngày càng thu hẹp về tỷ trọng, song song với sự tăng trưởng của kênh bancassurance.
Nguyên nhân phát triển mạnh mẽ của kênh phân phối bancassurance vì chính các quốc gia phát triển cũng thấy những khó khăn trong việc quản lý đại lý.
Mặc dù có sự đầu tư cho kênh bán hàng bancassurance và các kênh bán hàng khác như bán hàng online, nhưng kênh phân phối chủ lực của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các đại lý và trong tương lai gần, chắc chắn vẫn còn phụ thuộc vào lực lượng này.
Lý do là vì hiểu biết về bảo hiểm của đa số người dân chưa cao; sự phức tạp của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; các ngân hàng tại Việt Nam dù có quan tâm và cố gắng xây dựng kênh phân phối bancassurance nhưng đầu tư chưa “tới”…
Có ý kiến đề xuất thành lập Hiệp hội Các nhà đại lý bảo hiểm. Quan điểm của ông như thế nào?
Tôi cho rằng, đây là việc lý ra đã phải làm ngay từ khi bắt đầu cho phép kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam.
Bởi lẽ, Hiệp hội Đại lý bảo hiểm có khả năng thực hiện một số nhiệm vụ mà các công ty bảo hiểm không thể thực hiện, đồng thời bổ khuyết quy định trong phần “hoạt động đại lý” của Luật Kinh doanh bảo hiểm bằng các quy tắc “phường hội”.
Bên cạnh đó, đại lý bảo hiểm cũng là “người lao động” nhưng chưa có một tổ chức có tính nghề nghiệp đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.
Chúng ta thấy, thời gian qua có không ít trường hợp đại lý đã phải nhờ đến các văn phòng luật sư để giải quyết các quyết định trái luật từ phía công ty bảo hiểm như tự động đưa ra các điều khoản “phạt” khi đại lý chấm dứt hợp đồng đại lý, hay chây ì trong việc cắt mã số...
Ngoài ra, nghề đại lý tư vấn bảo hiểm là một nghề quan trọng trong việc thiết lập một hệ thống an sinh xã hội hoàn chỉnh. Do đó, cần có những cơ chế tôn vinh những người làm tốt, phạt những người làm xấu, xếp hạng và phân loại các đại lý.
Vậy ai có thể làm tốt những điều đó hơn Hiệp hội Đại lý bảo hiểm? Có thể gọi tổ chức này bằng tên khác, ví dụ Nghiệp đoàn đại lý - tôi thích cái tên này hơn!
Trong nghiên cứu của ông, tại thị trường các nước, thực tế và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội này thế nào?
Không phải nước nào cũng có Hiệp hội Đại lý bảo hiểm, nhưng nhiều nước tiên tiến trên thế giới có hiệp hội này như Mỹ, Anh, Singapore…
Như tôi đã nói, Hiệp hội Đại lý bảo hiểm được thành lập nhằm bổ khuyết cho cho sự khiếm khuyết quy định về hoạt động của đại lý trong luật, đồng thời đóng vai trò là một tổ chức nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi của các đại lý bảo hiểm.
Do đó, nếu như luật hoàn chỉnh cũng như trong các tổ chức bảo vệ người lao động của một nước có một mảng chuyên trách cho đại lý bảo hiểm thì không nhất thiết phải thành lập Hiệp hội Đại lý bảo hiểm. Đối với thực trạng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, tôi cho rằng, việc thành lập hiệp hội này là cần thiết.
Theo ông, mô hình hoạt động của Hiệp hội Đại lý bảo hiểm tại Việt Nam nên như thế nào? Làm thế nào để hiệp hội này hoạt động độc lập bên cạnh hiệp hội ngành nghề hiện nay là Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và có tiếng nói đại diện cho đội ngũ đại lý đang rất đông đảo?
Mô hình hoạt động của Hiệp hội Đại lý bảo hiểm không nhất thiết phải giống như IAV, vì nó chuyên biệt hơn.
Trong đó, có thể tồn tại nhiều ban chuyên trách, nhưng theo tôi, hai bộ phận quan trọng nhất đó là bộ phận pháp chế đại lý nhằm quy định các quy tắc hoạt động cũng như giám sát các hoạt động đại lý và bộ phận bảo vệ quyền lợi đại lý.
Nguồn thu của hiệp hội này sẽ đến từ 2 nguồn chủ yếu: sự hỗ trợ từ các công ty bảo hiểm đóng góp tùy theo quy mô và nguồn quan trọng nhất là từ các đại lý - các công ty bảo hiểm có thể thu hộ.
Làm một phép toán đơn giản: thị trường có hơn 500.000 đại lý, mỗi đại lý đóng 100.000 đồng/ năm và mỗi công ty hỗ trợ 100.000 đồng/đại lý/năm thì quỹ hội đã có khoảng 100 tỷ đồng/năm để hoạt động.
Cơ cấu nhân sự điều hành của Hiệp hội Đại lý không nhất thiết phải có sự hiện diện của cơ quan quản lý là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, hay ban lãnh đạo của các công ty bảo hiểm, mà nên để các đại lý bảo hiểm bầu ra những nhân sự đó.
Cơ cấu nhân sự do các đại lý bầu ra (các đại lý bảo hiểm của từng công ty bảo hiểm có thế bầu ra đại biểu của mình) cho phép sự hoạt động của Hiệp hội là độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước và mang tính thực tiễn về giá trị cho các đại lý hơn.