Lo ngại virus Corona (Covid-19) lan rộng khi số người chết và mắc mới tăng nhanh ở ngoài Trung Quốc đại lục và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng mức cảnh báo lên mức “rất cao”, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục bán tháo trong phiên cuối tuần qua.
Chỉ số Dow Jones có lúc giảm gần 1.000 điểm và đứng trước viễn cảnh có phiên giảm điểm trên 1.000 điểm thứ 3 chỉ trong 1 tuần. Tuy nhiên, thị trường sau đó đã nhận được thông tin hỗ trợ từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khi ông cho rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và Fed sẽ hành động phù hợp để cung cấp gói hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19.
Thông tin này giúp chặn đà lao dốc của phố Wall, Dow Jones và S&P 500 chỉ còn mức giảm trên dưới 1%, trong khi Nasdaq thậm chí còn kịp có sắc xanh nhạt khi chốt phiên.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones giảm 357,28 điểm (-1,39%), xuống 25.409,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,54 điểm (-0,82%), xuống 2.954,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,89 điểm (+0,01%), lên 8.567,37 điểm.
Với các phiên lao dốc không phanh trong tuần qua, phố Wall ghi nhận tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Cụ thể trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 12,36%, chỉ số S&P 500 giảm 11,49% và Nasdaq giảm 10,54%.
Trong tháng 2, Dow Jones giảm 10,07%, S&P 500 giảm 8,41% và Nasdaq dù khiêm tốn hơn cũng mất 6,38%. Với Dow Jones, với S&P 500 là tháng giảm tồn tệ nhất kể từ tháng 12/2018, còn Nasdaq là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2019.
Chứng khoán châu Âu lại tiếp tục chứng kiến phiên bán tháo với mức giảm hơn 3% tiếp theo trong phiên cuối tuần khi dịch Covid lây lan nhanh chóng trên thế giới và WHO nâng mức cảnh báo từ mức “cao” lên mức “rất cao”.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 215,79 điểm (-3,18%), xuống 6.580,61 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 477,11 điểm (-3,86%), xuống 11.890,35 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 185,69 điểm (-3,38%), xuống 5.309,90 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đó chứng khoán Đức, Pháp có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, còn chứng khoán Anh có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Tuần hoảng loạn cuối tháng 2 đã thổi bay 1.500 tỷ USD vốn hóa của chứng khoán châu Âu.
Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 11,12%, chỉ số DAX giảm 12,44% và chỉ số CAC40 giảm 11,94%. Trong tháng 2, chỉ số FTSE 100 giảm 9,68%, chỉ số DAX giảm 8,41% và CAC40 giảm 8,55%. Đây cũng là mức giảm theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm của chứng khoán châu Âu.
Chứng khoán châu Á cũng ghi nhận phiên bán tháo ồ ạt cuối tuần do ảnh hưởng từ phiên bán tháo trước đó trên phố Wall và chứng khoán châu Âu khi dịch Covid-19 lây lan nhanh trên toàn cầu.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 805,27 điểm (-3,67%), xuống 21.142,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 111,03 điểm (-3,71%), xuống 2.880,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 648,69 điểm (-2,42%), xuống 26.129,93 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 67,88 điểm (-3,30%), xuống 1.987,01 điểm.
Trong tuần chỉ số Nikkei 225 giảm 9,59%, tuần giảm thứ 3 liên tiếp; chỉ số Hang Seng giảm 4,32%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp; chỉ số Shanghai giảm 5,24%, chấm dứt chuỗi 2 phiên tăng liên tiếp; chỉ số Kospi giảm 8,13%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Trong tháng 2, chỉ số Nikkei 225 giảm 8,89%, chỉ số Hang Seng giảm nhẹ 0,69%, chỉ số Shanghai composite giảm 3,23% và Kospi giảm 6,23%. Tháng giảm thứ 4 liên tiếp của các chỉ số này, trong đó chỉ số Shanghai composite có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2019, còn chỉ số Nikkei giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018.
Không chỉ chứng khoán, điều đáng ngạc nhiên là vàng cũng bị bán tháo trong phiên cuối tuần qua khiến giá kim loại quý này có phiên giảm điểm lịch sử khiến nhà đầu tư và phân tích đều bối rối.
Kết thúc phiên 28/2, giá vàng giao ngay giảm 58,7 USD (-3,57%), xuống 1.585,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 75,8 USD (-4,61%), xuống 1.566,7 USD/ounce.
Phiên lao dốc cuối tuần đã lấy hết cả vốn và lãi mà giá vàng tích lũy được trong những phiên đầu tuần. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 3,5%, giá vàng tương lai giảm 4,98%. Trong tháng 2, giá vàng giao ngay giảm 0,19% và giá vàng tương lai giảm 1,34%, chấm dứt chuỗi 2 tháng tăng liên tiếp.
Phiên lao dốc bất ngờ cuối tuần khiến giới phân tích không còn đủ tự tin để dự báo giá vàng sẽ được hỗ trợ vì đây như là kênh trú ẩn an toàn trước rủi ro của dịch bệnh. Trong khi giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào việc giá vàng sẽ bật trở lại trong tuần mới.
Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời khảo sát, có 7 người, chiếm 47% dự báo giá vàng sẽ tăng, chỉ bằng một nửa so với con số 93% của tuần trước, trong khi có 5 người dự báo giảm, chiếm 33%, cao hơn nhiều so với con số 7% của tuần trước, có 3 người dự báo đi ngang, chiếm 20%.
Trong khi đó, trong 1.619 người tham gia trả lời trực tuyến, nhiều nhất trong 2 năm rưỡi, có 1.079 lượt, chiếm 67% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn con số 73% của tuần trước; 303 dự báo giảm, chiếm 19%, cao hơn con số 17% của tuần trước; và 237 người, chiếm 15% dự báo giá vàng đi ngang.
Trên thị trường dầu mỏ, việc dịch Covid-19 lây lan nhanh trên thế giới dĩ nhiên tác động tiêu cực tới giá dầu, khiến giá loại nhiên liệu này tiếp tục có phiên lao dốc cuối tuần.
Kết thúc phiên 28/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,33 USD (-5,21%), xuống 44,76 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,66 USD (-3,29%), xuống 50,52 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô lao dốc lần lượt là 16,15% và 13,64%. Trong tháng 2, giá loại nhiên liệu này giảm 13,19% và 13,14%, tháng giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong năm 2020.