Israel tối qua tổ chức tiệc chiêu đãi tại trụ sở Bộ Ngoại giao để chào mừng việc đại sứ quán mới của Mỹ sẽ khai trương tại Jerusalem vào lúc 16h giờ Jerusalem hôm nay (20h Hà Nội), theo Reuters.
Israel cho biết đã gửi giấy mời dự tiệc chiêu đãi đến tất cả 86 nước có phái đoàn ngoại giao tại quốc gia này, nhưng chỉ có đại diện của 33 nước xác nhận tham gia, trong đó có Guatemala và Paraguay, những nước cũng sẽ mở đại sứ quán ở Jerusalem vào cuối tháng này.
Tham dự lễ chiêu đãi tại trụ sở Bộ Ngoại giao Israel tối qua có các đại diện từ châu Âu như Hungary, Romania và Cộng hòa Séc, nhưng không quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu (EU) cử đại diện tới - một dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt bên trong khối đối với quyết định di dời đại sứ quán tới Jerusalem của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các quốc gia không tới dự lễ chiêu đãi vẫn chưa đưa ra bình luận nào.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 11/5, phái đoàn EU ở Israel nói rằng khối "tôn trọng sự đồng thuận quốc tế ở Jerusalem, bao gồm vị trí đặt cơ quan đại diện ngoại giao cho đến khi tình trạng cuối cùng ở Jerusalem được giải quyết".
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, con gái và con rể của Trump là Ivanka Trump và Jared Kushner, Thủ tướng Israel Netanyahu kêu gọi các nước khác nên hành động giống Washington.
"Di dời đại sứ quán tới Jerusalem là điều đúng đắn nên làm, là tiến bộ hòa bình, bởi không thể đặt cơ sở hòa bình trên nền tảng của sự dối trá", ông Netanyahu nói, nhấn mạnh "theo bất cứ thỏa thuận hòa bình nào thì Jerusalem vẫn là thủ đô của Israel".
Nhiều khu vực ở Jerusalem, thánh địa của người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ đốc giáo, đã được trang trí bằng các đường hoa, treo cờ Mỹ cùng áp phích "Trump làm cho Israel vĩ đại trở lại".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ gọi việc di dời đại sứ quán là "dấu hiệu của tình hữu nghị và quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước", đồng thời đề cập đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tuần trước, một động thái được Israel và các đồng minh Arab của Mỹ ở vùng Vịnh hoan nghênh.
Đường dẫn vào đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem được trang trí hoa và treo cờ Mỹ - Israel. Ảnh: Politico.
Chính quyền Trump cũng tìm cách để mở cánh cửa ngoại giao cho Israel và Palestine bằng việc nói rằng di dời đại sứ quán không nhằm mục đích xác định biên giới cuối cùng của Israel, lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Jerusalem có nhiệm vụ xử lý các mối quan hệ với Palestines sẽ vẫn được duy trì.
Tổ chức Hamas kiểm soát dải Gaza kêu gọi tổ chức biểu tình lớn chưa từng có ở khu vực giáp biên giới Israel, với sự tham gia của hơn 100.000 người Palestine, vào hôm nay để phản đối việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem.
Tháng 12/2017, Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khẳng định sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố Jerusalem. Tuyên bố này lập tức vấp phải sự chỉ trích của Palestine và nhiều quốc gia trên thế giới, do Jerusalem vẫn là mảnh đất trung tâm của xung đột giữa Palestine và Israel.
Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel.
Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, còn người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Hiện các nước đặt đại sứ quán tại thành phố Tel Aviv, thủ phủ thương mại của Israel.