Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) do Cục Quản lý kinh doanh, Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng nay (28/11) tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vũ Đại Thắng cho hay, sau 4 năm đi vào thực thi, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bộc lộ những điểm hạn chế, nhiều nội dung của Luật Doanh nghiệp hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho việc tuân thủ; một số nội dung của Luật không còn tương thích với nhiều luật mới được ban hành, cần phải bổ sung để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới.
“Một số mô hình, phương pháp kinh doanh mới đã xuất hiện, như kinh tế chia sẻ, kinh doanh thời 4.0… cần khuôn khổ pháp lý mới để quản lý. Việt Nam cần phải điều chỉnh để theo kịp", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quan điểm sửa Luật ngày nay đã khác với ngày xưa, không phải có bất cập mới sửa. Việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này không phải luật đã lỗi thời mà sửa là để đáp ứng với các cam kết về hội nhập quốc tế, đặc biệt là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA đã và sắp có hiệu lực.
Theo đó, những vấn đề mới của sửa đổi lần này: con dấu doanh nghiệp, mục tiêu trao toàn quyền cho doanh nghiệp trong việc quyết định số lượng con dấu, tự quản lý và sử dụng con dấu, tự quyết định sử dụng trong các giao dịch dân sự.
Việc bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu không chỉ có ý nghĩa trong việc cắt giảm chi phí không cần thiết mà còn giúp doanh nghiệp ý thức rõ ràng hơn trong việc sử dụng con dấu, gia tăng độ an toàn trong giao dịch kinh doanh, hội nhập tốt hơn vào thị trường quốc tế.
Một nội dung khác và khá quan trọng của dự thảo luật sửa đổi lần này là những quy định về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh”.
“Quan điểm của cơ quan soạn thảo về hộ kinh doanh là coi hộ kinh doanh như 1 hình thức kinh doanh, bình đẳng với doanh nghiệp. Xác định rõ như vậy để khẳng định vị trí pháp lý, quyền kinh doanh của hình thức này. Phải tạo điều kiện để các hộ kinh doanh được quyền làm lớn, bỏ tư duy cho hộ kinh doanh đầu tư nhưng lại “chặt chân, chặt tay” họ”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Do đó, mục tiêu sửa đổi là tiếp tục thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, cùng với các loại hình doanh nghiệp, thừa nhận vai trò, vị trí quan trọng của hộ đối với nền kinh tế; mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Xóa bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh. Đơn giản, thuận lợi cho gia nhập thị trường và rút lui khỏi thị trường.
Góp ý cho Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, một thời gian dài quản lý hộ kinh doanh ở cấp Nghị định thì đã đến lúc phải luật hóa. Phải ghi nhận hộ kinh doanh ở trong Luật.
Nếu thực tế, khu vực hộ kinh doanh đã bị bỏ mặc một thời gian dài, trong khi nhiều ý kiến cho rằng chưa nên đưa vào Luật, thành thử, bức tranh về hộ kinh doanh lại càng mù mờ, chả có hỗ trợ gì.
“Chúng ta từng đưa ra những chỉ trích phê phán 1 mô hình đặc thù mà không thấy đưa ra giải pháp gì, trong khi hộ kinh doanh rất đặc thù ở Việt Nam và theo thời gian, khu vực kinh doanh này đã rất lớn rồi. Theo Tổng cục Thống kê thì ta có 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp 30% GDP, tạo gần 10 triệu việc làm, không thể để mặc được. Quan trọng hơn, là hộ kinh doanh phải được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, và gỡ bỏ những hạn chế về quyền kinh doanh, phạm vi kinh doanh của khu vực này”, ông Tuấn nói.
Góp ý thêm vào một số điều trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, hội thảo ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Đức Quang, Phó giám đốc Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho hay, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp để đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư là tất yếu, nhưng nên để khái niệm 100% vốn Nhà nước, còn việc quản lý như thế nào thì thiết kế Nghị định, Thông tư vì Nhà nước bỏ vốn ra thì Nhà nước cũng phải quản lý và chỉ đạo được.