Theo số liệu báo cáo lên Ban Kinh tế Trung ương, đến cuối năm 2012, số nợ bảo hiểm xã hội là 4.639 tỷ đồng (giảm 232 tỷ đồng so với năm 2011), bằng 6,26% số phải thu, trong đó có trên 100 tỷ đồng thuộc diện nợ khó đòi. Hiện ngân sách Nhà nước chưa chuyển vào Quỹ bảo hiểm xã hội tiền đóng cho thời gian trước ngày 1/1/1995 khoảng 80.000 tỷ đồng (kể cả lãi).
Cũng theo báo cáo, đến cuối năm 2012, số dư tại Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện là 984,8 tỷ đồng, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 24.029 tỷ đồng và Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 197.315,7 tỷ đồng. Quỹ bảo hiểm y tế đã cân đối thu chi, bù đắp phần chi của những năm trước và đến hết năm 2012 có kết dư khoảng 12.891 tỷ đồng.
Báo cáo cho biết, số người tham gia bảo hiểm tăng qua các năm. Cụ thể, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết năm 2012 đạt trên 10,43 triệu người tham gia, tăng 2,97 lần so với năm 1997. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ năm 2008 nên đến hết 2012 mới có 139.643 người tham gia. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2012 có trên 8,3 triệu, chiếm 79,6% số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 21/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vừa diễn ra, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định đây là 2 chính sách xã hội quan trọng, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Việc bảo hiểm cũng phải được thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, đảm bảo công bằng.
Trưởng ban Kinh tế trung ương cũng giao cho ngành bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế 4 nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn thu cũng như tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này.