Một dự án điện mặt trời ở Gia Lai.
Nguy cơ phá sản, không trả được nợ gốc
Đơn kiến nghị tập thể của hơn 40 doanh nghiệp đã đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai có nơi nhận là Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các cơ quan báo chí và các đơn vị ở tỉnh Gia Lai gồm Tỉnh uỷ, UBND, Điện lực, Công an tỉnh.
Các chủ đầu tư này cho hay, khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đều phải huy động vốn từ nguồn vay của các ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70% - 80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay từ 9,5% - 12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp hàng tháng là rất lớn.
Theo phương án tính toán tài chính, hiệu quả của dự án chỉ đảm bảo trả được nợ vay khi hoạt động đúng công suất thiết kế, đặc biệt trong các tháng mùa khô tại Tây Nguyên.
Do đó, trường hợp EVN đề nghị các chủ đầu tư phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án từ 50% - 70% trong các tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với các nhà đầu tư điện mặt trời. Các chủ đầu tư không có nguồn trả nợ vay đúng theo hợp đồng tín dụng đã ký, gây lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội.
Các doanh nghiệp điện mặt trời ở Gia Lai tham gia ký đơn kiến nghị. |
Điều này có thể khiến các chủ đầu tư điện mặt trời và các ngân hàng thương mại cho vay đồng loạt khởi kiện các công ty điện lực vi phạm Hợp đồng mua bán điện và đề nghị bồi thường thiệt hại, sẽ gây bất ổn an ninh, xã hội.
Theo lập luận của các chủ đầu tư điện mặt trời, theo quy định của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, bộ mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công thương, Hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các doanh nghiệp và các công ty điện lực không có điều khoản tiết giảm, sa thải công suất phát lên lưới của các dự án điện mặt trời.
Do vậy, việc các công ty điện lực đơn phương yêu cầu các chủ đầu tư dự án điện mặt trời phát tiết giảm, sa thải công suất phát điện như hiện nay (từ đầu tháng 2/2021 đến nay) là vi phạm các quy định của Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định pháp luật có liên quan khác. Các chủ đầu tư có quyền khởi kiện các Công ty điện lực tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.
Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng nhận thức rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ, mức tín nhiệm với môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Muốn kéo dài thời gian hợp đồng bù tiết giảm công suất
Trên thực tế, việc tiết giảm công suất phát điện của các dự án điện mặt trời có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp và kéo dài từ tháng 12/2019 đến nay đã gây thiệt hại nặng nề đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động sản xuất... làm cho sản lượng tiêu thụ điện năng sụt giảm.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vào điện mặt trời ở Gia Lai cũng cho rằng, công tác dự báo, quy hoạch phát triển điện mặt trời của cơ quan chức năng thiếu chính xác; hệ thống truyền tải, cơ sở hạ tầng phục vụ truyền tải của ngành điện chưa phát triển đồng bộ so với việc phát triển của điện mặt trời cũng như công tác điều hành phát điện giữa các nguồn phát điện gồm mặt trời, điện than, thuỷ điện… còn chưa thật hợp lý.
Từ đó, các nhà đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Gia Lai đã đề xuất nhiều kiến nghị với từng cấp cụ thể.
Cụ thể, các nhà đầu tư đã đề nghị với Đảng và Nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp điện mặt trời để đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn như hiện nay. Đồng thời đảm bảo cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được thực hiện nhất quán, đúng cam kết, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế đất nước.
Đối với Bộ Công thương, các nhà đầu tư đề nghị xem xét, tính toán chỉ đạo các cơ quan liên quan, EVN xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng hiệu quả nhất, giảm tối đa sự lãng phí của doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, lãng phí tài sản của xã hội. Đồng thời đề nghị tăng cường huy động các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió; giảm các nguồn điện than và nguồn điện khí do 2 nguồn này có thể huy động sau mà không phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên như điện mặt trời.
Trong trường hợp bất khả kháng, các dự án điện mặt trời buộc phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án để tạo sự đồng thuận giữa các bên, tránh khiếu kiện có tính hệ thống gây mất ổn định an ninh, xã hội thì Bộ công thương phối hợp với các ngành liên quan để thoả thuận bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp.
Hướng xử lý được các nhà đầu tư điện mặt trời ở Gia Lai đưa ra là kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng với các hợp đồng mua bán điện đã ký đúng bằng thời gian tiết giảm, sa thải công suất. Hoặc Bộ Công thương đề xuất các ngành liên quan tăng giá mua điện mặt trời cho các dự án đúng bằng phần sản lượng tiết giảm trong một thời gian nhất định (dịch bệnh covid) cũng như đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi tiền vay cho các chủ đầu tư điện mặt trời.
Các chủ đầu tư này cũng đề nghị với Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công thương và EVN để xác định rõ ràng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời. Từ đó có quy định cụ thể đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp điện mặt trời do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 01 và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các doanh nghiệp, trên thực tế hiện nay, các Ngân hàng thương mại đều tìm mọi lý do để từ chối xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay trước đó là 9,5-12%/năm.
Doanh nghiệp cũng mong Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại cố tình không thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời. Trường hợp buộc phải sa thải điện thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoanh nợ không tính lãi.
Đối với EVN, các nhà đầu tư điện mặt trời cũng đề nghị xây dựng phương án tăng cường huy động sử dụng nghiên điện hiệu quả nhất, tiết kiệm không gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, của xã hội và thân thiện với môi trường. Công khai, minh bạch thông tin tiết giảm, sa thải của các dự án.