Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC báo cáo tại Hội nghị

Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC báo cáo tại Hội nghị

Hơn 36,8 triệu khách hàng vay tiền đã được cập nhật vào kho dữ liệu của CIC

(ĐTCK) Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC cho biết, tổng số khách hàng vay được cập nhật vào kho dữ liệu CIC là trên 36,8 triệu, tăng gần 2 triệu so với cuối năm 2017.

Song song với đó, CIC đẩy mạnh mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức ngoài ngành như cập nhật thông tin doanh nghiệp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện gói thầu dự án kết nối thông tin với Bộ Công an C72; nghiên cứu phương án và tạo điều kiện để các doanh nghiệp bán lẻ, FinTech và cho vay ngang hàng P2P được tham gia vào hệ thống CIC trên nguyên tắc có đi có lại như Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, MOBIVI, mạng bán hàng trực tuyến ALUKAKU...

“Với những nỗ lực đẩy mạnh mở rộng thu thập thông tin của CIC, độ phủ trung tâm tín dụng của Việt Nam liên tục được cải thiện, hiện đã vượt 51% theo đánh giá của Nhóm Ngân hàng Thế giới năm 2018”, ông Phong cho biết.

Về cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, CIC xác định, đây là nhiệm vụ hàng đầu và chú trọng huy động các nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả 6 tháng đầu năm, CIC đã cung cấp trên 10.000 lượt thông tin cho các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước, góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra giám sát và tham mưu chính sách của các đơn vị Ngân hàng Nhà nước.

Về cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng, CIC đã ban hành quyết định giảm 12% giá toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ do CIC thiết kế sẵn kể từ ngày 15/1/2018.

CIC thực hiện xếp hạng tín dụng tự động trên 700.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên 2.000 doanh nghiệp lớn theo quy trình (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty); chấm điểm định kỳ trên 34 triệu khách hàng vay thể nhân...

Tháng 4/2018, CIC đã chính thức thực hiện mô hình kết nối thông tin trực tiếp với các tổ chức tín dụng (Host to Host). Mô hình này cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều, giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình hỏi, tra cứu, báo cáo thông tin; gắn hệ thống của CIC với hệ thống quản trị rủi ro, phê duyệt tín dụng của các tổ chức tín dụng; qua đó rút ngắn thời gian truy vấn, giảm chi phí khai thác thông tin và giảm thiểu rủi ro tác nghiệp của tổ chức tín dụng.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, CIC đã cung cấp trên 15,7 triệu báo cáo tín dụng các loại, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ tự động theo thời gian thực ngày càng tăng cao, đạt trên 90%, đáp ứng được yêu cầu tra cứu thông tin của các tổ chức tín dụng.

Về cung cấp thông tin nhóm nợ cao nhất theo Thông tư 02 và 09 của NHNN, CIC tiếp tục duy trì cung cấp các sản phẩm R18, R19 về các khách hàng có nhóm nợ cao nhất và thông tin biến động cho tất cả các tổ chức tín dụng, bình quân khoảng 100.000 khách hàng vay được CIC cung cấp hàng tháng. Trong đó, sản phẩm R19 được điều chỉnh tăng tần suất cung cấp lên định kỳ 1 tuần1/lần.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, hàng tháng có khoảng trên 70 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh nhóm nợ theo các báo cáo của CIC, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về đăng ký và cung cấp thông tin cho khách hàng vay, thông qua cổng kết nối với khách hàng vay, trong 6 tháng đầu năm, đã có gần 4.000 khách hàng vay đăng ký tài khoản thành công, nâng tổng số khách hàng được cấp tài khoản truy cập cổng thông tin lên trên 7.300 khách hàng. Thông qua cổng thông tin này, CIC đã cung cấp thông tin tín dụng, điểm tín dụng cho trên 4.000 khách hàng vay theo quy định, gần bằng số cả năm 2017.

Đối với hoạt động xếp hạng tín dụng, chấm điểm tín dụng, định kỳ hàng tháng, CIC thực hiện xếp hạng tín dụng tự động trên 700.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên 2.000 doanh nghiệp lớn theo quy trình (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty); chấm điểm định kỳ trên 34 triệu khách hàng vay thể nhân...

Tin bài liên quan