Hơn 32 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận hơn 980.000 người chết vì nCoV trong hơn 32 triệu người nhiễm, các nước châu Âu tái áp đặt hạn chế khi dịch bùng phát trở lại.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở ngoại ô New Delhi, Ấn Độ ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở ngoại ô New Delhi, Ấn Độ ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 32.054.226 ca nhiễm và 980.351 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 312.008 và 6.418 ca sau 24 giờ, trong khi 23.635.455 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.133.702 ca nhiễm và 206.500 người chết, tăng lần lượt 38.922 và 1.120 ca so với một ngày trước đó. Các quan chức y tế Mỹ chỉ ra rằng nCoV đang chuyển hướng tấn công người trẻ tuổi, khi 23% số ca nhiễm được báo cáo là từ 18 đến 29 tuổi.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho tất cả người dân vào tháng 4/2021, tuy nhiên giới chuyên gia y tế tỏ ra thận trong hơn, cho rằng kịch bản mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn chỉ có thể xảy ra sớm nhất vào giữa năm sau.

CDC ngày 23/9 ra tuyên bố kêu gọi người Mỹ ở nhà vào dịp Halloween và tổ chức các bữa tiệc bằng hình thức trực tuyến. "Nhiều hoạt động Halloween truyền thống có thể có nguy cơ lây lan virus cao", CDC viết, khuyến cáo không nên tổ chức các bữa tiệc hóa trang đông người trong nhà hoặc cho trẻ em đi xin kẹo.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 89.688 ca nhiễm và 1.152 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 5.730.184 và 91.173. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Ấn Độ tuần qua mở cửa trở lại đền Taj Mahal sau 6 tháng ngừng đón khách du lịch. Số người tham quan mỗi ngày được giới hạn ở mức 5.000, so với trung bình 20.000 trước đại dịch.

Vé vào đền chỉ được bán online, có khoảng 300 vé được bán ra trong ngày đầu mở cửa. Khách tham quan được kiểm tra thân nhiệt và phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách với những người khác.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 818 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 138.977. Số người nhiễm nCoV tăng 29.550 trong 24 giờ qua, lên 4.624.885.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Covid-19 tại Brazil gây tổn hại nặng nề đối với một số cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là cư dân tại các khu ổ chuột nghèo khổ và người bản địa trong rừng Amazon.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người hứng chỉ trích vì đánh giá thấp Covid-19, khẳng định thiệt hại kinh tế sẽ tồi tệ hơn đại dịch nếu siết chặt quy định phòng chống virus.

Nga báo cáo thêm 150 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 19.799. Số ca nhiễm tăng 6.431, lên 1.122.241. Nga nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.

Bộ Y tế Nga thông báo lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được đưa vào lưu hành. Viện virus học Vector tại Siberia đã hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn hai đối với vaccine Covid-19 tiềm năng thứ hai của Nga, kết quả dự kiến công bố ngày 30/9.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vaccine thứ hai sẽ sẵn sàng trong tháng 9, bày tỏ hy vọng cả hai loại vaccine của Nga đều an toàn và hiệu quả.

Nga đang trong các giai đoạn đàm phán khác nhau và đã nhận được yêu cầu cung cấp 1,2 tỷ liều vaccine cho hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Đây là một bước tiến có thể mang tới cho Nga đòn bẩy kinh tế và chính trị vô cùng giá trị trên trường quốc tế.

Hơn 60.000 tình nguyện viên ở Moskva đã đăng ký tiêm Sputnik V, trong đó hơn 700 người được tiêm vaccine và "tất cả đều cảm thấy khỏe", Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin ngày 20/9 cho biết.

Putin ngày 22/9 đề nghị tiêm miễn phí vaccine Sputnik-V cho các nhân viên Liên Hợp Quốc. Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cảm ơn Putin và cho biết họ sẽ nghiên cứu đề xuất này.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ tám thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 665.188 ca nhiễm và 16.206 ca tử vong, tăng lần lượt 1.906 và 88. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Các hạn chế về di chuyển và kinh doanh đã dần được nới lỏng kể từ tháng 6, nhưng nước này vẫn đóng biên để tránh ca ngoại nhập. Tổng thống Nam Phi thông báo dỡ bỏ hầu hết hạn chế từ 20/9 và sẽ mở biên với hầu hết quốc gia từ 1/10.

Ca nhiễm tăng trở lại tại Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu. Nước này báo cáo thêm 11.289 ca nhiễm mới và 130 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 693.556 và 31.034.

Khu vực Madrid áp đặt biện pháp phong tỏa một phần với gần một triệu người. Cư dân tại các khu dân cư đông đúc có thu nhập thấp ở miền nam thủ đô kể từ 21/9 chỉ được phép rời khu vực để đi làm, khám bệnh hoặc đưa con đi học.

Ca nhiễm mới ở Pháp cũng tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 13.072 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 481.141, trong đó 31.459 người chết, tăng 43 trường hợp.

Các quán bar và nhà hàng ở Marseille, thành phố lớn thứ hai của Pháp phải đóng cửa từ 23/9. 8 thành phố lớn khác, bao gồm Paris, sẽ ban hành hạn chế mới, bao gồm giới hạn tụ tập ở nơi công cộng dưới 10 người và áp giờ đóng cửa sớm hơn với các quán bar.

Anh, vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, ghi nhận 409.729 ca nhiễm và 41.862 ca tử vong, tăng lần lượt 6.178 và 37 trường hợp. Nước này từ 24/9 yêu cầu các quán rượu, quán bar và các địa điểm khác đóng cửa từ 22h. Nhà hàng cũng sẽ bị hạn chế phục vụ tại bàn.

Thủ tướng Boris Johnson thông báo áp dụng mức phạt tiền lên tới 13.000 USD với những người không tự cách ly sau khi tiếp xúc với người dương tính nCoV.

Anh trước đó chưa có hình phạt cho những người vi phạm biện pháp tự cách ly, chính phủ cho biết cảnh sát có thể được triển khai để giám sát tuân thủ quy định ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Iran báo cáo 24.840 người chết, tăng 184, tổng số ca nhiễm là 432.798, tăng 3.605. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại nước này đang có xu hướng gia tăng kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng hồi đầu tháng 9.

Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi hôm 15/9 cảnh báo về "sự trỗi dậy" của nCoV tại một số vùng của đất nước, do mức độ tuân thủ các biện pháp y tế giảm sút.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 294.591 ca nhiễm và 5.091ca tử vong, tăng lần lượt 2.833 và 44 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 14/9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ "trở lại bình thường" vào tháng 12.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 257.388 ca nhiễm, tăng 4.465 so với hôm trước, trong đó 9.977 người chết, tăng 140 ca.

Thủ đô Jakarta đang siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.639 người nhiễm, tăng 12 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến Covid-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/9 khẳng định không thay đổi chỉ dẫn về cách ngăn nCoV lây nhiễm sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đăng nhầm cảnh báo lên trang web, trong đó cho rằng virus có thể lây truyền qua khí dung ở khoảng cách trên 2 mét.

Tin bài liên quan