Hơn 100 tổ chức đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam

Hơn 100 tổ chức đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn 100 nhà đầu tư tổ chức trên toàn thế giới, trong đó đến nhiều từ châu Âu, Bắc Á đã tới Việt Nam để tham dự sự kiện Hội nghị nhà đầu tư 2022 do VinaCapital tổ chức.

Ban đầu Ban tổ chức dự đoán họ không quan tâm quá nhiều sau Covid, nhưng Việt Nam đang rất hấp dẫn nên các họ đều đã bay đến để lắng nghe xem thử “Cơ hội đầu tư nằm ở đâu”, ông Don Lam, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital chia sẻ trong buổi họp báo sáng nay (6/10).

Kinh tế Việt Nam phát triển, tăng trưởng GDP quý III hơn 13%, cả năm dự báo hơn 8% - là điều rất khác biệt so với các quốc gia trên toàn cầu - vốn đang đối diện với áp lực về lạm phát tăng, lãi suất. Việt Nam đang được ví như ngôi sao sáng trên thế giới.

Việc tổ chức hội nghị nhà đầu tư là một trong những cách VinaCapital quảng bá các cơ hội đầu tư tốt của Việt Nam ra cộng đồng đầu tư thế giới. “Nếu họ đang tìm kiếm cơ hội tốt, thì sao lại không tới Việt Nam”, ông Don Lam nói.

Kinh tế Việt Nam đang thay đổi rất nhanh, thị trường chứng khoán cũng vậy. Để chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài trong hội nghị năm nay, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có sự khác biệt với kinh tế thế giới.

Cụ thể, Việt Nam đang phát triển dịch vụ, bán lẻ rất mạnh, còn thị trường Mỹ thì không nhiều, đồng thời họ đang chống chọi với lạm phát cao 8-9%, EU 9-10%, trong khi Việt Nam tương đối ổn, ở mức 3-4%.

Nguyên nhân chính cho sự khác biệt này là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tốt, đa dạng hoá ngành sản xuất. Trước đây, một nhà sản xuất có thể mở 10-20 nhà máy tại Trung Quốc, thì nay, họ dịch chuyển dần, có thể mở thêm 1, hoặc 2, hoặc vài nhà máy tại Việt Nam, như Apple quyết định xây thêm nhà máy mới tại Việt Nam, Lego cũng đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Đây là chiến lược đa dạng hoá thị trường sản xuất của các ông lớn, còn Việt Nam thì chứng minh được có hạ tầng, có khả năng, có tay nghề có thể phục vụ được nhu cầu sản xuất này.

Bên cạnh đó, về retail (bán lẻ), dịch vụ phát triển rất nhanh, chi tiêu cho ăn uống, du lịch nội địa của Việt Nam đang tốt, và do thói quen chưa đi nước ngoài nhiều, nên tập trung cho mua sắm và tiêu dùng nội địa, mang đến sự phát triển cho ngành bán lẻ. Các doanh nghiệp trong ngành như MSN, MWG, PNJ cũng đang hưởng lợi từ tăng trưởng này.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu Tư của VinaCapital

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu Tư của VinaCapital

Theo ông Andy, Việt Nam chưa ảnh hưởng về lạm phát do mức độ chi tiền của Chính Phủ Việt Nam trên GDP không nhiều, trong khi như ở Mỹ có mức chi tiêu cho người dân, xã hội đến 25% GDP để giúp đỡ phục hồi kinh tế - do đó làm tăng lạm phát.

Bên cạnh đó, cuối năm 2021 - đầu 2022, vận chuyển hàng hoá đến Mỹ rất khó khăn, giá cước tăng, nên giá sản phẩm tăng cao, thị trường EU thì đối diện với khó khăn về tiền điện, giá khí đốt tăng vọt - dự báo gấp 20 lần khi mùa đông tới - cũng tạo áp lực lên lạm phát. Việt Nam không chịu quá nhiều các áp lực này.

Dự báo về tăng trưởng GDP năm nay, VinaCapital cho rằng, năm 2022 tăng trưởng khoảng 8%, năm 2023 về mức độ bình thường như trước covid, là 6-7%.

Ông Andy cho biết, năm 2021, Việt Nam không có sự hỗ trợ từ du lịch nước ngoài, nhưng sản xuất và xuất khẩu mạnh. Năm 2023, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Eu… đều chậm lại, nhu cầu giảm đi, thì tăng trưởng ở mảng sản xuất dự báo giảm đi. Tuy nhiên, kỳ vọng sự sụt giảm này sẽ được thay thế bằng du lịch nước ngoài bắt đầu tăng cao trở lại tại Việt Nam, ước tính du lịch quốc tế chiếm xấp xỉ 10% GDP, trong khi hiện đang ở mức bằng 0 vì covid.

Dự báo của VinaCapital, năm 2023, giá trị giải ngân cho đầu tư hạ tầng tăng mạnh. Cứ nhìn vào Trung Quốc, mỗi khi khó khăn họ đều đầu tư mạnh cho hạ tầng và tại Việt Nam, các năm trước chưa đạt kế hoạch giải ngân nên kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn trong năm tới.

Cũng cần lưu ý, mức độ chi tiêu cá nhân 2023 có thể giảm lại; xuất khẩu có thể giảm tăng trưởng vì kinh tế thế giới chậm lại, nhưng ông Andy cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6-7%. Đây cũng là “keyword” để VinaCapital giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài trong hội nghị lần này.

Về vấn đề tỷ giá, tiền đồng dự báo mất giá 4-5% so với đồng USD, nhưng con số này tương đối thấp, như xung quanh Đông Nam Á đã mất giá 10-12%, bảng Anh mất giá mạnh. Lưu ý, khi đồng USD tăng mạnh thì sẽ tạo áp lực về trả gốc và lãi cao hơn đối với những doanh nghiệp vay USD - họ sẽ có động lực tìm nguồn USD để trả gốc lãi - lại càng tạo áp lực mua USD tăng lên.

Đây là vấn đề trên toàn thế giới, không riêng Việt Nam, áp lực đồng USD tăng lên thì áp lực đồng nội tệ đi xuống. Trên toàn cầu, quỹ dự phòng USD đã giảm 12% vì ai cũng bị ảnh hưởng và đều phải chi USD để xử lý nợ bằng đồng USD, ông Andy Ho chia sẻ.

Ông Andy cũng có lời khuyên với các doanh nghiệp, chỉ nên vay bằng USD nếu có nguồn thu bằng USD, nếu không sẽ gặp rủi ro về trả lãi gốc cao hơn do đồng VND mất giá.

Liên quan đến Fed, dự báo tháng 11 sẽ tiếp tục tăng 0,75 điểm phần trăm. Nhiều quốc gia đã phản ứng, lên tiếng với các NHTW rằng liệu mức độ tăng có nhanh quá, lãi suất có cao quá, đẩy nền kinh tế tới tình trạng khó khăn nhanh quá không; giá trái phiếu có giảm nhanh quá, vụ việc của Credit Suisse, vụ quỹ hưu trí của Anh mua nhiều trái phiếu nhưng khi lãi suất trái phiếu đi lên, tài sản của họ gặp khó khăn. Credit Suisse phải suy nghĩ lại nếu tài sản giảm thì liệu có tăng vốn không, mà tăng vốn cũng khó cho họ trong bối cảnh thị trường giá xuống (đã giảm 50-60% so với đỉnh) thì phải tìm cách khác là bán tài sản, ông Andy dẫn các vấn đề đang diễn ra trên thế giới.

Đây là thay đổi nhanh trên nền kinh tế thế giới, tạo áp lực lên các NHTW cũng phải suy nghĩ lại các quyết định, từ đó các nhà đầu tư hy vọng NHTW sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất lại. Chẳng hạn tại Úc, tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, thấp hơn dự đoán rất nhiều, tức các NHTW cũng đang lắng nghe. Với các nhà đầu tư chứng khoán, trái phiếu rất thích, vì có thể ổn định hoá nền kinh tế.

Với lãi suất Việt Nam, VinaCapital cho rằng, lãi suất tiết kiệm tăng 50-100 điểm phần trăm, người dân gửi tiền tiết kiệm có thể hưởng lãi 6-8%/năm (vẫn có lãi, trong khi gửi tiết kiệm ở Mỹ, Eu đang không có lãi do lạm phát cao), còn lãi cho vay không thay đổi nhiều. Nhưng ông Andy cho rằng, nếu Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thêm các đợt tăng lãi suất nữa, đi theo xu hướng các NHTW thế giới thì có thể làm tăng áp lực.

Thêm góc nhìn khác, chuyên gia VinaCapital cho biết, so sánh Earning Yield- lợi tức từ việc nắm giữ cổ phiếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại VCB thì hiệu số của 2 tỷ suất đang ở mức cao nhất trong 10 năm - cho thấy mức độ hấp dẫn tương đối của việc nắm giữ cổ phiếu so với gửi tiết kiệm.

"Vậy tức là nếu nhà đầu tư dài hạn, có tầm nhìn 5-10 năm thì đây là thời điểm hấp dẫn để nắm giữ cổ phiếu, dù trong ngắn hạn là những bất định về địa chính trị, lạm phát tăng cao", chuyên gia VinaCapital nhấn mạnh thêm.

Tin bài liên quan