Đây là năm thứ 3 hội thảo khoa học quốc tế về Kế toán, Kiểm toán và Tài chính (ICFAA) được tổ chức
Đây là năm thứ 3 hội thảo khoa học quốc tế về Kế toán, Kiểm toán và Tài chính (ICFAA) được tổ chức, với mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia giáo dục, các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, những kết quả nghiên cứu có giá trị cũng như những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính.
Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: ʽʽPhát triển bền vững là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay. Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu… đang tác động đáng kể không chỉ đến các mục tiêu phát triển bền vững mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực đào tạo và thực hành kế toán, kiểm toán, tài chính tại Việt Nam và các nước trên thế giới”.
“Khái niệm về phát triển bền vững trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính liên quan đến quá trình ghi chép, xử lý, báo cáo, truyền đạt, xác minh độ tin cậy… đã thay đổi đáng kể để đáp ứng được mức độ phức tạp của các vấn đề kế toán và kiểm toán. Nghề kế toán và kiểm toán phải đóng góp vào việc thực hiện phát triển bền vững toàn cầu, kết hợp cân bằng các mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và sự giàu có của nhân loại”.
“Những thay đổi đáng kể này đã làm xuất hiện một số vấn đề về học thuật cũng như thực hành trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính. Bởi vậy, Hội thảo là cơ hội để những chuyên gia giáo dục, nhà khoa học chia sẻ, trao đổi kiến thức về các lý thuyết mới cũng như các giải pháp thực tiễn”, PGS.TS. Bùi Đức Thọ khẳng định.
Bài trình bày với chủ đề “Go Green for Earth, for Bottom Line” của PGS.TS El’fred Boo đến từ Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Sigapore đã kết thúc phiên tổng thể của Hội thảo. Sau đó, 3 phiên hội thảo chuyên đề song song tập trung vào các nội dung: Kế toán, Kiểm toán và Tài chính đã được các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục trình bày và thảo luận.
Từ hơn 100 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài nước gửi tới hội thảo, 12 bài nghiên cứu đã được lựa chọn để trình bày tại 3 phiên hội thảo chuyên đề này.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia giáo dục, các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế |
Tại phiên chuyên đề Kế toán (Accounting), 4 công trình nghiên cứu có chủ đề mang tính thời sự nhất đã được đưa ra trình bày gồm: “Hiệu quả của hệ thống thông tin kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin: Doanh nghiệp SME’s ở Đồng Nai; Các yếu tố ảnh hưởng tới sự liên kết của hệ thống thông tin kế toán trong doanh nghiệp Việt Nam”; “Các yếu tố ảnh hưởng đến công bố thông tin kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam”; “Tác động của kiểm soát nội bộ đến hoạt động phi tài chính của các công ty cổ phần ở Việt Nam”.
Phiên chuyên đề Kiểm toán (Auditing) đã nhận được sự đánh giá cao của người tham gia bởi tính hữu ích, thiết thực của 4 công trình nghiên cứu được các tác giả trình bày. Mở đầu là nghiên cứu chủ đề “Tiếp cận dựa trên rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán: Các công ty Big4 và không phải Big4”.
Tiếp đó là công trình nghiên cứu “Ảnh hưởng của Ủy ban Kiểm toán đến Hiệu quả Hoạt động Ngân hàng Thương mại tại Việt Nam”.
Công trình nghiên cứu thứ 3 có tên “Quyền tự chủ trong bệnh viện công Việt Nam và vai trò của Kiểm toán nhà nước Việt Nam” và nghiên cứu “Kiểm toán nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ ở Việt Nam”được đánh giá là rất hữu ích trong bối cảnh thực tại của Việt Nam.
Trong phiên hội thảo chuyên đề Tài chính (Finance), các tác giả đã trình bày và thảo luận về 4 công trình nghiên cứu được Ban tổ chức đánh giá cao gồm: “Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn doanh nghiệp - bằng chứng từ các công ty niêm yết Việt Nam”; “Tác động của chính sách cổ tức đến quản lý thu nhập - một nghiên cứu thực nghiệm về các công ty bất động sản niêm yết tại Việt Nam”; “Yếu tố quyết định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”; “Thay đổi khí hậu và vai trò của các ngân hàng trung ương”.
Có thể nói, năm 2020 là giai đoạn mà phát triển bền vững là vấn đề nghị sự được đẩy lên cao không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu khi đại dịch Covid-19 đã làm rung chuyển cả thế giới. Các chính phủ luôn hướng tới phát triển bền vững, đạt sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế cùng tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Nghề nghiệp kế toán, Kiểm toán có mặt ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh cũng như lĩnh vực công và cần phải gánh vác trách nhiệm đóng góp vào việc hiện thực hoá mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, hội thảo với những cập nhật, những công trình nghiên cứu về các vấn đề mang tính thời sự đã góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính Việt Nam.