Cần xây dựng cơ chế đặc thù
Ngân sách đầu tư công eo hẹp, chính sách chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, người dân cố “bám trụ” để kiếm sống… Những lý do thường được nói tới khi đề cập đến nguyên nhân chương trình cải tạo kênh rạch tại TP.HCM chậm trễ.
Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên, theo các chuyên gia là vẫn chưa có quy hoạch tổng thể kênh mương một cách thống nhất trên toàn địa bàn. Từ đó, chưa xây dựng được một cơ chế mở để nhà đầu tư căn cứ theo khung chính sách và tự thỏa thuận với người dân. Quy hoạch này nếu có sẽ cho phép thiết lập các chỉ tiêu quy hoạch mềm dẻo, trên cơ sở đánh giá rõ áp lực công trình sau khi cải tạo đối với hạ tầng giao thông, môi trường đô thị, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asian New Time cho rằng, nếu chương trình cải tạo kênh, rạch thành công thì giá trị lớn của bất động sản ven sông là câu chuyện không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là câu chuyện về vốn và mức độ ưu tiên của từng dự án.
“Tôi nghĩ Thành phố phải kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa mang tính dài hạn và sự chung tay của các doanh nghiệp. Để có điều này thì chính sách phải minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đó, cũng cần huy động thêm các nhà khoa học, áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xử lý nước thải, mùi hôi ở những dòng sông này”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, cần giải tỏa trắng các khu vực ven sông, kênh, rạch, tạo dựng không gian mới đầy đủ chức năng dọc theo tuyến.
Những con sông là “đường thở” của thành phố. Ảnh: Trọng Tín
“Chúng ta có thể thực hiện cuốn chiếu từng đoạn, đầu tư xây dựng mới bao gồm tổ chức cho dân tái định cư tại chỗ, tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt hơn về kinh tế - xã hội. Thành phố cần nâng cao đẳng cấp, giá trị không gian cảnh quan sông nước, diện mạo đô thị bằng các công trình công cộng”, ông Cương kiến nghị.
Cần có quy hoạch tổng thể sông, rạch để phát huy tốt nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt này, gắn với quy hoạch kè bờ sông và sử dụng đất ven sông là lời khuyên của rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.
Lấy ví dụ về những bất cập trong quy hoạch, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt cho rằng, tại trục đường Tôn Đức Thắng có khu vực bến cảng và công viên dài chạy dọc ven sông Sài Gòn, rất thích hợp xây dựng địa điểm tập trung vui chơi, giải trí, hóng mát của người dân thành phố và du khách, giúp tăng thêm sản phẩm đường sông.
“Hiện nay, sự kết nối giữa các bến thủy dọc bờ sông Sài Gòn còn rời rạc, chưa tạo được một không gian vui chơi, giải trí của người dân. Đây là điều đáng tiếc vì những thành phố có được bờ sông đẹp trong nội đô như TP.HCM không nhiều”, ông Anh nói và đề xuất thêm, quy hoạch chắc chắn là cần thiết, nhưng điều cần không kém là phải minh bạch thông tin, công khai để doanh nghiệp có thể tham gia ý kiến, tham gia đầu tư. Chứ như hiện nay, một số dự án “kín” quá, doanh nghiệp không có nhiều thông tin.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, để khai thác tiềm năng kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang sông rạch, ngoài việc phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể, Thành phố cũng nên giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông, rạch và quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ.
“Các doanh nghiệp khi thực hiện xây dựng kè đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch sẽ được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”, ông Châu kiến nghị.
Không để của chung thành của riêng
Có thể thấy, mạng lưới gần 1.000 km đường sông, kênh, rạch phân bố trên toàn địa bàn là tài sản cực lớn của TP.HCM. Thế nhưng, đã có trường hợp những bất cập trong quy hoạch dần biến những khu vực kênh, sông từ của chung thành của riêng.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thừa nhận, thời gian qua, tiềm năng cảnh quan không gian hai bên bờ sông chưa được quan tâm đúng mức. Một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trải qua nhiều giai đoạn nhưng thiếu đồng bộ.
“Tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê… trong các hàng rào dự án khá phổ biến nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Đến nay, Thành phố chỉ mới xây bờ kè được 15% trong gần 1.000 km đường sông, kênh, rạch”, ông Nhã nói.
Nhìn về khía cạnh lịch sử và thổ nhưỡng, bà Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và con người cho rằng, Sài Gòn từ hơn 300 năm trước không phải là thành phố “bên sông” mà là dạng đô thị “nằm giữa lòng sông nước” với hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xây dựng ồ ạt ven sông đã khiến cảnh quan sông nước mất dần, nhiều nơi, không gian chung trở thành không gian riêng. “Như khu vực Thảo Điền, đất dọc sông bây giờ phần lớn là của tư nhân, không còn không gian công cộng để người dân thưởng ngoạn nữa. Đó là hậu quả của một quá trình dài Thành phố thiếu bộ ‘khung sườn’ về phát triển xanh”, bà Thục phân tích.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, hiện nay, TP.HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, nên Thành phố cần rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông, rạch.
“Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở”, ông Châu nói.
Thực trạng này chính quyền TP.HCM đã biết và dư luận kỳ vọng tình hình sẽ sớm biến chuyển khi ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, trong quy hoạch và phát triển bờ kè sông, kênh, rạch Thành phố sẽ không để diễn ra tình trạng người dân và doanh nghiệp xâm lấn sông. Trong đó, Thành phố sẽ xây dựng một khung pháp lý về quy hoạch phát triển sông, với những quy chế thống nhất, rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị, người dân và doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm này.
“UBND Thành phố sẽ hướng tới đo đạc địa giới để triển khai các phương án có sự tham gia và quản lý của người dân như phong trào giữ bờ giữ đất, trồng cây ven bờ…”, ông Hoan nói và nhấn mạnh, một đô thị chỉ có những tòa nhà chọc trời, khai thác từ mép bờ sông đến lòng sông là một đô thị phát triển không thành công.
Có thể thấy, cải tạo những “dòng sông chết” để cân đối quyền lợi các bên mà vẫn đảm bảo được hầu hết không gian sông nước dành cho các tiện ích công cộng là bài toán không hề dễ dàng. Nhưng phần thưởng nếu có lời giải cho bài toán hóc búa này cũng sẽ vô cùng lớn lao. Không chỉ có thêm nhiều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, những con sông chết biến thành sông xanh, mà sẽ là nền tảng vật chất để cả TP.HCM sẽ lại là đô thị hiền hòa “nằm giữa lòng sông nước”.
TP.HCM chỉ đạo giải quyết việc lấn chiếm ở hệ thống thoát nước
UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành giải quyết việc lấn chiếm trên 5 hệ thống thoát nước, kênh, rạch và tình trạng xả rác.
Cụ thể, 5 hệ thống kênh, rạch được ưu tiên giải quyết bao gồm: kênh Hy Vọng (quận Tân Bình); rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp); rạch Nhảy - Ruột Ngựa (quận 8); rạch Bàu Trâu (quận 6, Tân Phú); rạch Bình Thái (quận Thủ Đức). Đây là những tuyến rạch có chức năng tiêu thoát nước chính cho khu vực, hiện đang có khu dân cư sinh sống, có tình trạng xả rác và ô nhiễm môi trường.
Theo đó, lãnh đạo Thành phố giao UBND các quận, huyện và sở, ngành liên quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước, kênh, rạch 5 tuyến rạch nói trên; tăng cường tuần tra để kịp thời ngăn chặn, không để phát sinh mới các trường hợp lấn chiếm, xâm hại đến hệ thống thoát nước, kênh, rạch và có giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng xả rác xuống kênh, rạch.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com