Hồi sinh những dòng sông chết (Bài 1): Chờ cuộc “đại di cư”

Hồi sinh những dòng sông chết (Bài 1): Chờ cuộc “đại di cư”

(ĐTCK) Bên cạnh những tòa nhà chọc trời, biệt thự nguy nga, TP.HCM hiện còn đó hàng chục ngàn căn nhà lụp xụp nằm ven và trên sông, kênh, rạch. Những mảnh đời lam lũ này vẫn hàng ngày trông chờ để sớm được dời đi.

LTS: Ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh đã gây sức ép lớn lên hệ thống các dòng sông, rạch trên địa bàn TP.HCM. Nhiều dòng chảy xanh trong ngày xưa đã trở thành dòng sông “chết” với mùi hôi thối và màu nước đen xì. Trong khi đó, chương trình di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, một trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2020 của TP.HCM đưa ra đang gặp khó khăn, khó về đích đúng hạn. Hồi sinh những con sông, biến những dòng sông “chết” thành “sông xanh” là bài toán khó với TP.HCM, nhưng không thể không làm.

Bài 1: Chờ cuộc “đại di cư”

Bên cạnh những tòa nhà chọc trời, biệt thự nguy nga, TP.HCM hiện còn đó hàng chục ngàn căn nhà lụp xụp nằm ven và trên sông, kênh, rạch. Những mảnh đời lam lũ này vẫn hàng ngày trông chờ để sớm được dời đi.

Chờ...

Nhắc đến TP.HCM, người ta sẽ nghĩ đến một thành phố phồn hoa, tráng lệ với những cao ốc chọc trời, biệt thự nguy nga. Nhưng ẩn mình sau sự phồn hoa ấy cũng còn biết bao mảnh đời “tha hương cầu thực”, ngày ngày phải nương nhờ, sống tạm bợ trong những nhà chòi lụp xụp được dựng tạm ở ven các con sông, kênh, rạch ô nhiễm với trăm nghìn cái thiếu.

Dọc theo các dòng kênh Đôi, kênh Tẻ, hay những khu vực ven sông thuộc địa bàn quận 4, quận 7, quận 8…, không khó để bắt gặp những căn nhà xập xệ, được che chắn tạm bằng những mái tôn cũ nát, những chiếc bạt cũ kỹ, nham nhở vắt mình trên những chiếc cọc chống yếu ớt nổi trên mặt nước đen kịt.

Những căn nhà này được hình thành một cách tự phát. Nhiều người dân nghèo không mảnh đất cắm dùi đã ra khu vực ven sông, kênh dựng lều bạt để có chỗ ngả lưng mỗi tối sau ngày dài lam lũ kiếm sống. Những căn nhà ấy theo thời gian “nở” dần ra ngoài phía lòng kênh để đủ chỗ cho việc sinh hoạt của một gia đình.

Đầu tháng 9/2019, khi TP.HCM bước vào mùa mưa, chúng tôi đến với “xóm nhà chòi” dọc kênh Đôi (đoạn chảy qua quận 8). Mùa mưa đến, đây cũng là lúc mà hàng trăm hộ dân sống trên những chiếc nhà chòi tạm bợ lo lắng cho miếng ăn, giấc ngủ của mình. Đi sâu vào một con hẻm nhỏ hướng ra dòng kênh Đôi chừng vài chục mét là một dãy nhà tạm, không xi măng, không cốt thép, thủng trước thủng sau.

Quả thật, nếu gọi đúng nghĩa thì đây không phải là những căn nhà, mà là những gác xép tạm bợ. Thế nhưng, đó lại là chốn an cư của nhiều thế hệ. Gia đình bà Hương, ngụ quận 8 là một trong hàng ngàn trường hợp như vậy.

Mái nhà chỉ vỏn vẹn 15 m2, cất dựng tạm bợ, chông chênh bên dòng kênh Đôi. Hơn nửa đời người, bà Hương đã sống trong cảnh trên ván, dưới sông, mùa mưa đến thì tứ bề là nước.

“Biết là khổ, nhưng sống riết rồi quen. Đêm đến, trải chiếu xuống sàn là ngủ, sáng dậy thì cứ tiếp tục công việc cho qua ngày qua tháng”, bà Hương bắt đầu câu chuyện khi trên tay vẫn còn dính những hạt gạo vo dở.

Tuy nhiên, nếu cuộc sống cứ êm đềm lặng lẽ trôi khi đêm ngủ, ngày đi làm thì chẳng có gì để nói. Với người dân sống trên những ngôi nhà chòi ven kênh Đôi mà nói, sạt lở hay mùa mưa bão mới là khoảng thời gian đáng sợ trong năm.

“Cách đây vài năm, nước lớn khiến cho căn nhà bị sập. Lúc đó, chỉ có tôi với đứa cháu nhỏ, may Trời Phật phù hộ nên hai bà cháu không bị gì”, bà Hương nhớ lại.

Không chỉ bà Hương, mà nhiều người dân ở khu vực này cũng quan niệm, họ chỉ cần có chỗ để “chui ra chui vào”, nghỉ ngơi sau một ngày lam lũ mưu sinh, chứ chẳng quan tâm gì đến những vấn đề khác, mà nói như bà Hương là “sống cho qua ngày qua tháng”. Trò chuyện với phóng viên, tất cả những người dân ở xóm này đều mặc định trong đầu suy nghĩ “người nghèo đâu có quyền đòi hỏi”!?

Rời nhà bà Hương và xóm nhà ở ven kênh Đôi, chúng tôi tìm đến với những căn nhà tương tự bên rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh). Không chỉ sống bấp bênh, lo sợ mưa bão như người dân sống ven kênh Đôi, hàng trăm hộ dân ven rạch Xuyên Tâm còn đang phải sống trong cảnh rác thải ngập ngụa quanh nhà, mùi hôi thối nồng nặc, vì con rạch này đã trở thành bãi rác "bất đắc dĩ" cho cả khu dân cư.

Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi hai bên tuyến rạch không chỉ có dãy nhà chòi lấn ra mép rạch, mà rác thải, túi nylon tràn ngập từ trên bờ xuống tới lòng rạch. Mặt nước đen kịt, bốc mùi hôi thối cùng nhiều rác thải nổi lềnh bềnh…, khiến đời sống của không chỉ người dân ven con rạch này, mà cả khu vực xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Huy Hùng (quận Bình Thạnh) than thở, sống ở đây không khác gì sống cạnh bãi rác. Rác chất đống và trải dài hai bên dòng kênh khiến các hộ dân chẳng còn cách nào khác là hàng ngày phải đóng chặt cửa để hạn chế mùi hôi thối.

"Trước đây vẫn có xuồng đi vớt rác, nạo vét rác dưới lòng rạch, nhưng gần đây không thấy nữa, rác thải cứ thế tồn đọng gây ô nhiễm. Trời nắng cũng như trời mưa, không biết rác thải ở đâu đến, ngày qua ngày ô nhiễm cứ ùn ứ ở đó. Phía sau nhà của mấy người quanh đây, mặt tiếp xúc với con rạch hầu như ai cũng rào chắn lại, để đỡ hôi, đỡ rác thải khi mưa dâng lên. Chẳng ai muốn sống trong ô nhiễm, nhưng không cam chịu thì chẳng biết phải làm sao, hàng trăm hộ dân ở đây chỉ chờ có tiền đền bù là đi nơi khác sống”, ông Hùng nói.

…Và tiếp tục chờ

Thực tế, những xóm nhà ở kênh Đôi hay rạch Xuyên Tâm chỉ là số ít trong rất nhiều xóm nhà tạm bợ lụp xụp ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM. Việc lấn chiếm khiến cho dòng chảy của sông, kênh, rạch bị thu hẹp, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, qua đó làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.

Hồi sinh những dòng sông chết (Bài 1): Chờ cuộc “đại di cư” ảnh 1

Nhiều lòng kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM đang bị ô nhiễm nặng.

Những túp lều xiêu vẹo, rách nát dần biến những khu vực này thành các "khu ổ chuột". Và chính sự xuống cấp của những "khu ổ chuột" đang góp phần làm xấu đi bộ mặt của đô thị đầy “hoa” nhưng cũng không thiếu “lệ” này.

Trước đòi hỏi cấp thiết như trên, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2020, TP.HCM đã đưa chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 - 2020, với quyết tâm cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 nhà trên 57 tuyến kênh, rạch. Tuy nhiên, đến nay, các dự án triển khai thực tế mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn, còn hàng ngàn hộ dân trên 57 tuyến kênh, rạch vẫn tiếp tục chờ.

Ông Ngô Văn Năm, một người dân sống ở ven Kênh Đôi cho biết, cuộc sống bấp bênh từ nhiều năm qua, nay lại càng thiếu ổn định hơn khi gia đình cứ mãi thấp thỏm chờ đợi di dời, để được tái định cư và ổn định cuộc sống. Thế nhưng, sau nhiều lần đo đạc, thống kê, kế hoạch di dời vẫn im lìm.

Hay như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, suốt 17 năm qua vẫn giậm chân tại chỗ. Mười bảy năm cũng là ngần ấy thời gian hàng nghìn người dân sống cạnh con rạch này phải lao đao, khốn khổ vì sống trong ô nhiễm.

“Chúng tôi đã mất niềm tin rồi. Suốt 17 năm qua, nhiều báo đài đã xuống ghi nhận, chính quyền địa phương cũng xuống khảo sát nhiều, nói nhiều, nhưng chẳng thấy làm gì, riết rồi cũng quen”, ông Hùng thở dài.

Với người dân ở kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm nói riêng và hàng chục ngàn hộ dân sống ở trên và ven kênh, rạch tại TP.HCM nói chung, sống một cuộc sống chật chội, nguy hiểm là điều chẳng ai muốn, nhưng riết rồi cũng thành quen, mà không quen cũng phải chấp nhận, vì họ chẳng còn chỗ nào để đi.

Có thể thấy, di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch là một chủ trương đúng đắn của TP.HCM trong việc chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và góp phần giảm ngập nước. Thời gian qua, Thành phố cũng đã thành công trong việc cải tạo, di dời nhà trên nhiều tuyến kênh, rạch, có thể kể đến khu vực bến Bình Đông, kênh Nhiêu Lộc, hay kênh Tân Hóa - Lò Gốm... Điều này đã giúp cho hàng trăm hộ dân có cuộc sống ổn định, từ đó, hàng chục dự án bất động sản đã được mọc lên, mở ra một điểm sáng trong chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM.

Tuy nhiên, không ít “điểm đen” ổ chuột ven kênh, ven sông vẫn còn đó như những vết dằm ngày ngày gây “chốc lở” cơ thể đô thị Thành phố. Đâu là liều thuốc đặc hiệu có thể trị dứt chứng bệnh tưởng ngoài da mà đã hoại tử này?

Bài 2: Chờ đợi đổi thay từ cuộc chỉnh trang đô thị

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan