Một số chủ đề đáng chú ý khác cũng được đưa ra như vấn đề về bất bình đẳng xã hội và sức khỏe cộng đồng hiện trở nên nghiêm trọng hơn. Quá trình phục hồi xanh là một chiến lược đã và đang được nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế đưa ra thảo luận, và đó là hướng đi cho một tương lai bền vững.
Là một nền kinh tế mới nổi, theo bà, Việt Nam sẽ hưởng lợi ích gì từ quá trình phục hồi xanh?
Chúng tôi tin rằng quá trình phục hồi xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế giới đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các yếu tố xanh trong các sản phẩm và dịch vụ. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh trong dài hạn, đặc biệt là về xuất khẩu sang các nước phát triển, nơi có các luật định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các tác động lên môi trường.
Các cuộc khảo sát gần đây của Standard Chartered với tựa đề “Kinh doanh không biên giới: Hành lang thương mại châu Âu - ASEAN” hay “Kinh doanh không biên giới: Hành lang thương mại nội khối ASEAN” đã chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong Top đầu các thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại ASEAN, đồng thời nằm trong Top 10 thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ASEAN đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nội khối. Sự phát triển xanh sẽ giúp Việt Nam gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Việt Nam đã và đang đạt được nhiều bước tiến trong quá trình tái cấu trúc, cải cách. Điều đó kết hợp với những yếu tố nền tảng cơ bản vững chắc đang giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Chính phủ Việt Nam gần đây đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, hướng tới mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…
Để đạt được kết quả nhất định, chắc chắn các doanh nghiệp và nhà đầu tư đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi sau Covid…
Đại dịch đã cho thấy rõ nét hơn tầm quan trọng của tài chính bền vững đối với quá trình phát triển kinh tế ở quy mô quốc gia và toàn cầu. Trước dịch, ước tính nguồn vốn cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 là 2.500 tỷ USD.
Thế giới vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực để đạt được các mục tiêu đó và giờ đây, các khoản đầu tư từ cả lĩnh vực nhà nước và tư nhân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để có thể giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội sau dịch. Nguồn vốn cần thiết là rất lớn và đây là lúc các nhà đầu tư đóng một vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững.
Thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng vào phát triển bền vững và áp dụng ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị) vào hoạt động kinh doanh. Chúng tôi cho rằng, trong 5 năm tới, các nhà đầu tư rót tiền vào các lĩnh vực phát triển bền vững và tạo ra những tác động tích cực lên môi trường, cộng đồng sẽ tiếp tục gia tăng. Số lượng lớn các doanh nghiệp sẽ đồng tình rằng, đầu tư tác động (impact investing) có thể mang lại lợi nhuận tương đương, thậm chí tốt hơn so với các hình thức đầu tư truyền thống.
Một thực tế rất rõ ràng, quá trình phục hồi xanh cần phải có sự đồng hành của nguồn vốn…
Đúng vậy, nhu cầu đối với tài chính bền vững và đầu tư tác động đang ngày càng gia tăng. Một chỉ báo cho việc này là khối lượng trái phiếu bền vững (ESG bond) tính đến thời điểm hiện tại đã tăng 1,8 lần so với năm trước. Chúng tôi cũng thấy rằng, ở góc độ lãi suất, tài trợ vốn bền vững cũng có thể đạt được mức lãi suất tương đương so với các loại trái phiếu thông thường.
Các kỹ thuật chứng khoán hóa cùng với công nghệ phân lớp tích hợp khi được áp dụng vào các tài sản có tính chất bền vững có thể dẫn đến sự đổi mới và tạo ra động lực cho lĩnh vực này. Tài chính hỗn hợp là sự kết hợp mục tiêu của các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn nhằm tạo ra những tác động tích cực, từ đó tạo ra những sản phẩm phù hợp và một trong những cách thức thực hiện là thông qua các loại hình sản phẩm được chứng khoán hóa.
Do các giao dịch chứng khoán hóa được hỗ trợ bởi danh mục các khoản vay và trái phiếu trị giá hàng triệu đô-la, chúng có thể tạo ra những tác động đáng kể lên các loại tài sản bền vững.
Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các khoản đầu tư có yếu tố bền vững và thị trường bắt đầu chứng kiến các đợt phát hành trái phiếu xanh (Greenium) cho những tài sản này. Các khoản đầu tư cấu trúc đi kèm với các tính năng sáng tạo, trong đó các ràng buộc về tiêu chuẩn ESG được tuân thủ chặt chẽ.
Các gói tài trợ không được dẫn đến sự mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và các nguồn lực tự nhiên. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và nâng lên 25-30% vào năm 2045. Do đó, nhu cầu vốn cho quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng sẽ rất lớn.
Theo báo cáo Cơ hội năm 2030 của Standard Chartered, ước tính tới năm 2030, Việt Nam sẽ cần 45,8 tỷ USD để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực nước sạch, năng lượng sạch, công nghiệp, sáng tạo và cơ sở hạ tầng.
Theo bà, các tổ chức nước ngoài như Standard Chartered có thể giúp gì cho quá trình hồi phục của Việt Nam?
Chúng tôi là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực tài chính bền vững, tập trung vào các thị trường mới nổi, từ việc huy động hơn 5 tỷ USD tài chính hỗn hợp cho phát triển kinh tế cho đến việc ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới trên thế giới.
Cách tiếp cận của chúng tôi kết hợp cả 3 tiêu chí. Một là, chúng tôi tin vào tầm quan trọng của việc trở thành một tổ chức có trách nhiệm qua việc giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các hoạt động của Ngân hàng thông qua bộ lọc rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Hai là, chúng tôi tin rằng việc cung cấp các nguồn tài chính có thể tạo ra những tác động tích cực lên môi trường và cộng đồng. Chúng tôi có Phòng Tài chính bền vững với các nhân sự nhiều kinh nghiệm và chuyên môn trong quản trị rủi ro ESG, cũng như tìm ra các cơ hội và giải pháp để thúc đẩy các hoạt động cấp vốn có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực.
Cuối cùng, chúng tôi tập trung vào những khu vực mà ở đó nguồn tài chính bền vững có thể mang đến những tác động tích cực - những khu vực cần nhiều vốn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Chúng tôi cũng chú trọng vào những lĩnh vực mà quá trình đạt được phát thải các-bon bằng 0 sẽ mang đến những đóng góp đáng kể cho việc thế giới có thể đạt được mục tiêu giữ mức độ ấm lên toàn cầu ở dưới 2 độ C như đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris.
Là một ngân hàng quốc tế với 117 năm lịch sử hoạt động tại Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiến tạo một tương lai bền vững.
Gần đây, bên lề Hội nghị Khí hậu của Liên Hợp quốc COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Standard Chartered đã ký các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD với 3 doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các dự án phát triển bền vững. Chúng tôi hy vọng những khoản đầu tư như thế này sẽ giúp Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững và thúc đẩy một tương lai thịnh vượng. Chúng tôi cam kết hỗ trợ quá trình hồi phục và tăng trưởng bền vững của Việt Nam và rất mong được làm việc chặt chẽ với Chính phủ, khách hàng và đối tác để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững, phục hồi kinh tế và đạt được các mục tiêu về phát thải các-bon bằng 0.
Chúng tôi cũng đang hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (Britcham) để triển khai chuỗi các hội thảo trực tuyến về bền vững nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và ứng dụng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong doanh nghiệp. Các sự kiện này sẽ tập trung các chủ đề liên quan và có sự đóng góp ý kiến của đại diện các cơ quan, ban ngành, tổ chức và chuyên gia để giúp các doanh nghiệp đưa ra các chiến lược hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện nhiều sáng kiến để đẩy mạnh tài chính bền vững tại Việt Nam. Mới đây, chúng tôi đã hợp tác với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội để huy động vốn cho dự án điện gió Tân Thuận và dự án điện gió Hanbaram. Chúng tôi cũng cho ra mắt giải pháp tài trợ thương mại bền vững nhằm giúp các doanh nghiệp triển khai ứng dụng các phương thức hoạt động bền vững hơn trong toàn bộ hệ sinh thái, cũng như xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.