Áp lực bán cạn kiệt
VN-Index tuần qua có thời điểm giảm 5,6% trước khi đóng cửa tại 1154,15 điểm, giảm 3,2% so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản sụt giảm khi giá trị giao dịch trung bình của mỗi phiên là 17.000 tỷ đồng, giảm gần 30%.
Dòng tiền có chiều hướng bán chốt lời ở hầu hết nhóm ngành, nhất là bất động sản, hóa chất và dịch vụ chứng khoán. Nhóm ngành vốn hóa lớn khác là ngân hàng chịu áp lực giảm theo thị trường chung, nhưng có sự phân hóa và tăng nhẹ trở lại.
Phiên giữa tuần, áp lực bán có dấu hiệu dịu lại, sau đó tìm được điểm cân bằng giữa cung và cầu quanh ngưỡng 1.150 điểm, giúp chỉ số đi ngang trong 2 phiên cuối tuần.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Về phương diện kỹ thuật, VN-Index có thời điểm điều chỉnh mạnh về vùng 1.120 điểm, gần về ngưỡng hỗ trợ tại vùng đỉnh ngắn hạn cũ và vùng tích lũy khối lượng lớn, qua đó kích hoạt lực cầu bắt đáy, đặc biệt tại các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã bị bán quá đà. Lực cầu được duy trì, trong khi áp lực bán dần cạn kiệt, giúp giới đầu tư có tâm lý bình ổn trong vùng giá hiện tại. Rủi ro vẫn còn, nhưng VN-Index có thể tiến đến ngưỡng kháng cự tại 1.170 điểm, chung với đường viền cổ của mẫu hình 2 đỉnh (vùng đỉnh ngắn hạn 1.255 điểm). Trong trường hợp thị trường có diễn biến tích cực, ngưỡng kháng cự tiếp theo là 1.200 điểm.
Kỳ vọng ngành thép hồi phục cùng với bất động sản
Thị trường thép thế giới đang bước vào giai đoạn suy thoái sau thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Nguyên nhân chính khiến ngành thép suy giảm là do sự sụp đổ của ngành bất động sản Trung Quốc, quốc gia chiếm một nửa lượng thép tiêu thụ toàn cầu. Cùng với đó, sự suy thoái hậu dịch Covid-19 của các nền kinh tế lớn và tình trạng lạm phát gia tăng dẫn đến chi phí vay mua nhà tăng cao và làm giảm nhu cầu trên thị trường bất động sản.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu năm 2022 là 1,95 tỷ tấn, giảm 2,1% so với năm 2021. Dự báo, sản lượng thép thô thế giới năm 2023 là 1,92 tỷ tấn, giảm 1,5% so với năm 2022.
Ngành thép Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi xu hướng suy thoái chung của thị trường thép thế giới. Sản lượng thép thành phẩm các loại của Việt Nam năm 2022 là 29,3 triệu tấn, giảm 12% so với năm 2021. Xuất khẩu thép thành phẩm năm 2022 là 11,8 triệu tấn, giảm 20% so với năm 2021. Dự kiến, sản lượng thép thành phẩm các loại năm 2023 là 27,9 triệu tấn, giảm 5,2% so với năm 2022.
Trong khi đó, tình hình ngành bất động sản Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với thị trường bất động sản Trung Quốc, khi mà thanh khoản của các doanh nghiệp đang cạn kiệt, cộng với bối cảnh kinh tế khó khăn khiến nhu cầu nhà ở giảm rõ rệt.
Giá bán thép và giá nguyên liệu sụt giảm kể từ đầu năm 2023 khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép, vốn có chu kỳ hàng tồn kho dài, bị thu hẹp đáng kể, dẫn đến kết quả kinh doanh trong giai đoạn đầu năm sụt giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép nội địa giảm khiến cho các doanh nghiệp không thể tối ưu công suất hoạt động của các nhà máy, dẫn đến tỷ lệ chi phí cố định trong cơ cấu chi phí gia tăng.
Ngành bất động sản mong chờ một dòng vốn lớn để có thể hồi phục về mặt thanh khoản, cũng như hỗ trợ cho các dự án đang được triển khai. Sự phục hồi của ngành vật liệu xây dựng nói chung, và ngành thép nói riêng phụ thuộc không nhỏ vào tình hình của ngành bất động sản.
Trong bức tranh chung của ngành thép hiện tại, có một điểm sáng đáng chú ý là giá các nguyên liệu ngành thép và giá bán thép đã tạo ra một vùng đáy trong 3 năm trở lại đây. Việc giá nguyên liệu thấp có thể giúp cho các doanh nghiệp lớn trong ngành như HPG, HSG, NKG đang tích trữ một lượng hàng tồn kho giá rẻ có thể nắm bắt tốt sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới.
Kafi kỳ vọng, triển vọng của ngành bất động sản trong năm 2024 sẽ sáng hơn, giúp nhu cầu thép phục hồi và góp phần đưa giá bán thép trở lại chu kỳ tăng sau hơn 1 năm liên tục giảm.