Hội nhập là thách thức, nhưng MB sẽ đứng vững

(ĐTCK) Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái chia sẻ, việc sáp nhập SDFC vào MB không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của MB trong quý I và cả năm 2016.

Cũng theo ông Thái, việc Việt Nam tham gia TPP và AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành ngân hàng, nhưng MB sẽ đứng vững trong hội nhập. 

Hội nhập là thách thức, nhưng MB  sẽ đứng vững ảnh 1

ông Lưu Trung Thái 


Như MB vừa công bố, quý III/2016, Công ty tài chính TNHH  Finance (MF) dự kiến sẽ đi vào hoạt động. Công ty tài chính của MB sẽ hoạt động như thế nào để tạo ra sự khác biệt và đứng vững, thưa ông?

MB xác định việc thành lập Công ty tài chính hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng là một bước đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, phù hợp với chiến lược của MB và tiềm năng thị trường.

Để có thể phát triển và tạo lập một vị thế trên thị trường, MF xây dựng chiến lược cung cấp các sản phẩm vay tiêu dùng đơn giản, thời gian xử lý nhanh trên nền công nghệ hiện đại và các sản phẩm bán theo gói, có sự liên kết mạnh mẽ với các nhà cung cấp, với mức chi phí hợp lý khi khách hàng sử dụng đồng thời nhiều sản phẩm, dịch vụ của MB Group. 

Xin ông cho biết, sáp nhập SDFC vào MB kể từ ngày 18/03/2016 có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động của MB trong quý I và cả năm 2016?

Việc nhận sáp nhập SDFC là phù hợp với chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, qua đó, cũng thể hiện trách nhiệm của MB trong việc tham gia thực hiện chương trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần hoàn thành mục tiêu lành mạnh hóa và củng cố năng lực hoạt động hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để MB được mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh tiềm năng.

Ngày 18/3/2016, MB chính thức tiếp nhận SDFC, theo đó, MB đã tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, lợi ích, nghĩa vụ hợp pháp của SDFC. Tôi xin khẳng định là việc sáp nhập này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của MB và lợi ích của các cổ đông MB. Tổng tài sản của SDFC tại thời điểm sáp nhập chỉ tương đương 0,22% tổng tài sản của MB.

Đồng thời, với sự chấp thuận của NHNN tại Đề án sáp nhập, trước thời điểm sáp nhập, việc trích lập dự phòng đã được thực hiện đầy đủ để xử lý các tồn đọng. Do vậy, việc sáp nhập SDFC vào MB không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của MB trong quý I và cả năm 2016. 

MB đã công bố định hướng dài hạn là xây dựng theo mô hình tập đoàn tài chính đa năng. Xin ông chia sẻ một cách ngắn gọn hình thái mô hình tập đoàn tài chính đa năng mà MB đang hướng đến?

Mô hình tập đoàn tài chính mà MB đang hướng tới bao gồm các công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán và quản lý quỹ…, trong đó MB là ngân hàng hạt nhân với các vệ tinh là các công ty thành viên. Mô hình này đảm bảo tính liên kết cao, bổ sung cho nhau và cung cấp, thỏa mãn các nhu cầu của khách hàng, đồng thời vẫn đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của các thành viên trong hoạt động thường nhật cũng như trong các chương trình chiến lược.

Đồng thời, còn đảm bảo tính tuân thủ của MB và các công ty thành viên theo các quy định của các cơ quan quản lý có liên quan trong từng lĩnh vực cụ thể và theo các quy định của pháp luật. Như vậy, về cơ bản, mô hình tập đoàn tài chính đa năng của MB đã tương đối đầy đủ vào năm 2016, chúng tôi tập trung sẽ vào tăng quy mô và hiệu quả hoạt động. 

Những mục tiêu chính năm 2016 của MB mà HĐQT dự kiến xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông sắp tới là gì, thưa ông?

Trong năm 2015, MB đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao tại Đại hội đồng cổ đông năm 2015. Trong năm 2016, với mục tiêu “Phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả”, Ngân hàng sẽ phát huy những thành quả đã đạt được trong năm qua, tiếp tục nỗ lực tối ưu hóa danh mục tài sản, tăng hiệu quả doanh thu, quản trị chi phí tốt, quản trị rủi ro vượt trội, có phương án chi trả cổ tức hợp lý.

Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2016, song song với việc kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp. Tiếp tục tăng cường đầu tư năng lực cho Ngân hàng, theo hướng phát triển bền vững. Triển khai Dự án  2 và tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược cho công ty thành viên. 

Năm 2016 là năm Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế, đặc biệt là việc tham gia TPP và AEC. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức từ hội nhập đối với ngành ngân hàng và với riêng MB, thưa ông?

Việc  tham gia TPP và AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành ngân hàng nói chung và MB nói riêng. Việc gia nhập AEC đòi hỏi Việt  phải mở cửa hơn nữa đối với lĩnh vực tài chính: các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư có thể tham gia tới mức 70% vốn.

Chính việc mở cửa này sẽ mang lại cơ hội đổi mới về sản phẩm dịch vụ cho ngành ngân hàng và MB. Tuy nhiên, việc mở cửa cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài dễ dàng hơn trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong khu vực AEC và tạo ra các thách thức không nhỏ cho các ngân hàng Việt Nam liên quan tới cạnh tranh, chuyển dịch về vốn, lao động giữa các nước. 

Trên thị trường, nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến MB và đang muốn trả lời câu hỏi: có tiếp tục bước vững và duy trì vị trí dẫn đầu về hiệu quả khi nền kinh tế hội nhập hay không? Quan điểm của ông về nội dung này như thế nào?

MB hiện tại là một trong số các ngân hàng dẫn đầu về chỉ tiêu sinh lời (Lợi nhuận, ROA, ROE) và kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR). MB cũng sẽ gặp không ít thách thức trong quá trình Việt  Nam gia nhập TPP và AEC như đã nói ở trên. Tuy nhiên, với tham vọng nằm trong TOP 5 các ngân hàng thương mại, MB đã chuẩn bị các nguồn lực cần thiết (vốn, nhân sự, công nghệ…) và xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2016 - 2020 để đạt được mục tiêu đó.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả là ý chí và khát vọng của MB, của nhiều thế hệ cán bộ nhân viên MB đang trực tiếp, sáng tạo và tận tâm triển khai các mục tiêu sống còn này. Do đó, tôi tin tưởng, MB sẽ thực hiện được mục tiêu nêu trên.

Tin bài liên quan